Ðề phòng lũ trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế lên cao

Ðề phòng lũ trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế  lên cao
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, ngày và đêm 4-9, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 100 đến 150mm.
 

 
Sáng 5-9, địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100 mm. Nhiều tuyến đường tại TP Vinh bị ngập sâu.  
 

* Bảo đảm an toàn hồ đập và các nhà máy thủy điện, sẵn sàng phương án phòng, chống lụt bão 
 

* Các tỉnh phía bắc nhanh chóng thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa sớm 
 

Do mưa lớn,mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đang lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng đồng bằng.

Hiện nay, các nhà máy thủy điện (NMTÐ) ở khu vực miền trung và Tây Nguyên đã chủ động các phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) kể từ đầu tháng 9. Các NMTÐ trong khu vực đã tổ chức diễn tập phương án PCLB, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các huyện hạ du và hệ thống ca-mê-ra giám sát hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành PCLB từ nhà máy đến Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng hoàn thành việc bảo dưỡng hệ thống các hạng mục công trình tuyến đầu mối, thường xuyên kiểm tra nguy cơ sạt lở các tuyến đường giao thông nội bộ để khắc phục thông tuyến nhanh chóng khi có sự cố xảy ra; bảo dưỡng và thử vận hành cầu trục chân đê đập tràn, đóng mở thử cửa van cung đập tràn...

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh phía bắc khẩn trương chỉ đạo thu hoạch nhanh diện tích lúa hè thu, lúa mùa sớm để tránh thiệt hại do mưa, lũ cuối vụ gây ra. Ðối với diện tích lúa đang giai đoạn trỗ bông, cần chỉ đạo tăng cường chăm sóc, bảo đảm lúa đủ nước. Ðối với diện tích lúa mùa trung, mùa muộn đang giai đoạn bắt đầu phân hóa đòng, cần bón đón đòng kịp thời, cân đối; nhất là bón đủ lượng phân ka-li để lúa trỗ tập trung, tăng tỷ lệ hạt chắc. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại lúa cuối vụ để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật, nhất là quan tâm đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm như bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân...

Nông dân trong tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực gặt lúa để chạy lũ. Mực nước trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy) đã vượt báo động 1, nước bắt đầu đổ ập vào đồng ruộng. Hiện, toàn huyện Quảng Ninh đã thu hoạch được 1.300 ha/2.600 ha. Trước tình hình mưa gió mấy ngày qua, huyện chỉ đạo bà con nông dân cần chủ động, khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, chín đến đâu gặt đến đó, tiến hành tiêu úng trên các cánh đồng. Tại huyện Bố Trạch, nông dân cũng đang tích cực gặt lúa chạy lũ. Vụ hè thu năm 2012, toàn tỉnh gieo cấy hơn 14 nghìn ha, nhưng đến nay mới thu hoạch được 50% diện tích. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, mưa to còn kéo dài, vì vậy nông dân cần chủ động các biện pháp để ứng phó mưa lũ.

Trong hai tuần qua, tại Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ (thuộc xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) đã xảy ra hai trận mưa to, gió lớn, kèm theo lũ. Mưa lũ đã gây ra thiệt hại đối với điểm di tích lịch sử cấp quốc gia này. Nhiều hạng mục, công trình trong khuôn viên của khu di tích đã bị hư hỏng. Con đường mòn dẫn sâu vào di tích cũng bị mưa, lũ tàn phá; hàng chục khối đất bị xói lở, tạo thành rãnh sâu gần 1m, dài hàng chục mét...

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, nên nhiều nơi có mưa to và rất to. Lượng mưa đo được tại trạm thủy văn huyện Hương Khê là 241,2 mm, Hương Sơn 138 mm, TP Hà Tĩnh 124 mm... Mưa lớn đã khiến mực nước các sông trên địa bàn dâng cao; nước sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã lên mức xấp xỉ báo động 2 và khả năng xuất hiện lũ.

Mưa lớn kéo dài đã khiến đất đá sạt lở từ trên núi xuống, chia cắt quốc lộ 8A tại Km82 trong nhiều giờ. Hiện Khu quản lý đường bộ IV đã huy động nhân lực, máy móc khẩn trương thu dọn đất đá sạt lở, (mặc dù trước đó, lúc 12 giờ trưa 5-9 đã thông xe, nhưng đến 15 giờ, quốc lộ 8A lại tiếp tục bị tắc nghẽn giao thông do núi lại tiếp tục sạt lở).

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn gửi các huyện, thành phố, thị xã có biện pháp đối phó mưa lũ, chủ động  thu hoạch lúa hè thu, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.

Chiều 5-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đêm 4-9, tàu cá QNg- 90077 TS bị nạn trên biển cùng 10 ngư dân, khi chạy cách cảng Sa Kỳ được hơn 40 hải lý thì bất ngờ gặp thời tiết xấu và hỏng máy bơm nước. Do sóng to, gió lớn khiến nước biển tràn vào gây nguy cơ chìm tàu, cho nên thuyền trưởng phát tín hiệu cứu hộ, cứu nạn. Ngay sau khi nhận được tin, hai tàu cá QNg-95426 TS và tàu cá QNg-90208 TS đã ra khơi ứng cứu, khắc phục sự cố và đưa tàu cá bị nạn cùng 10 ngư dân vào bờ an toàn.

Theo nhandan.org.vn