Ðòn bẩy tín dụng từ nông nghiệp, nông thôn

Chính sách tín dụng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thời gian qua đã hướng dòng vốn vào một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đột phá, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình nông thôn mới. Song, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Công nhân Công ty TNHH Thành Tín (Sóc Trăng) đóng gói gạo xuất khẩu.

Dồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn

Theo Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Võ Minh Tuấn, những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng khu vực ÐBSCL luôn cao hơn mức tăng trung bình của hệ thống. Ðầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng luôn được NHNN quan tâm chỉ đạo và các ngân hàng tích cực hưởng ứng. Ðến ngày 30-9, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn vùng ÐBSCL đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và chiếm hơn 48% tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng trong vùng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ nông dân, trang trại tại ÐBSCL có điều kiện mở rộng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa... Công ty Trung An (Cần Thơ) là một DN chuyên sản xuất lúa gạo có tiếng trong vùng, hiện đang được các ngân hàng cam kết hạn mức cho vay 1.000 tỷ đồng nhưng dư nợ hiện tại là 400 tỷ đồng. Giám đốc Công ty Trung An Phạm Thái Bình, chia sẻ: Nhờ nguồn vốn này, DN đã cùng nông dân xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng chuỗi khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ đến thu mua, xuất khẩu gạo.

Từ nhiều hình thức khác nhau, dòng vốn của hệ thống ngân hàng đã chảy rộng khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL. Song, theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Danh Lương: "Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 77% tổng nhu cầu, vì vậy nhiều hộ nông dân phải tìm đến các nguồn tín dụng phi chính thức như cho vay nặng lãi, mua bán chịu, chơi hụi,... với lãi suất rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro".

Kiểm soát chặt dòng tiền

Phó Vụ trưởng Võ Minh Tuấn chỉ ra nhiều vướng mắc trong hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ÐBSCL. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế, bao gồm cả quy hoạch nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Người dân vẫn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống tự phát, nhỏ lẻ. Chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo và chưa có các "kênh" phân phối hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam...

Những lý do trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN trong khu vực, trực tiếp tác động tới tăng trưởng tín dụng chung của toàn vùng. Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Tín (Sóc Trăng) Trần Thị Thanh Nga chia sẻ, là một trong những DN sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, được trang bị lắp đặt dây chuyền chế biến sản xuất khép kín, hiện đại cho nên từ trước đến nay Công ty được nhiều ngân hàng tạo điều kiện vay vốn. Công ty đã liên kết với nông dân hình thành bốn cánh đồng mẫu lớn. Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, công ty cũng có thêm tiền để mua lúa cho nông dân. Tuy nhiên, thời điểm này với nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động thì việc vay vốn của công ty gặp không ít khó khăn. "Có một vấn đề là hiện nay công ty đang cần thêm vốn nhưng dù ngân hàng đã đồng ý cho vay tín chấp thì hạn mức vay cũng rất nhỏ. Về phía công ty, tài sản gì thế chấp được chúng tôi đã thế chấp để vay. Cho nên tôi đề xuất nếu có thể được, đề nghị Thống đốc NHNN và các ngân hàng xem xét cho tăng hạn mức vay tín chấp lên", bà Nga kiến nghị.

Ý kiến của lãnh đạo DN này cũng là tâm tư nguyện vọng của phần lớn các DN, người dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Việc các ngân hàng chỉ chú trọng vào kiểm soát tài sản vay vốn đã gây không ít khó khăn cho DN và nông dân khi tài sản thế chấp luôn là rào cản lớn của họ khi muốn vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, việc NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 41, theo đó sẽ tăng hạn mức cho vay không tài sản thế chấp cho nông dân, hay quan điểm của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng nên tăng cường kiểm soát dòng tiền để cho vay tín chấp, đang được người dân đón đợi và kỳ vọng. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là vay tín chấp. Nếu là mô hình tốt, sản xuất có hiệu quả thì ngân hàng mạnh dạn cho vay tín chấp.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là dù hệ thống ngân hàng chủ trương đẩy mạnh cho vay tín chấp, nhưng khi đi vào thực hiện một cách cụ thể lại không hề suôn sẻ. Bởi lẽ, ngân hàng sẽ chỉ cho khách hàng vay khi họ tin và hoàn toàn kiểm soát được dòng tiền của khách hàng. Muốn như thế, rõ ràng cần phải có một quá trình quan hệ tín dụng lâu dài giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, như chia sẻ của lãnh đạo cấp cao một NHTM nhà nước, ở các nước việc cho vay tín chấp diễn ra khá phổ biến và là một hoạt động bình thường của các ngân hàng. "Nhưng ở đó, thông thường khách hàng chỉ quan hệ tín dụng (gửi tiền và vay vốn) tại một ngân hàng nên ngân hàng đó hoàn toàn kiểm soát được dòng tiền của khách hàng. Còn tại nước ta, phổ biến là tình trạng DN vay vốn tại một ngân hàng nhưng lại gửi tiền và sử dụng các dịch vụ tại một hoặc nhiều ngân hàng khác. Do đó, việc quản lý dòng tiền là vô cùng khó khăn", vị lãnh đạo trên phân trần.

Chưa kể, với những sai phạm trong hoạt động ngân hàng thời gian gần đây đang bị hình sự hóa, càng khiến những cán bộ tín dụng và lãnh đạo ngân hàng thêm cẩn trọng hơn khi xét duyệt cho vay. Vì vậy, giải pháp cho vay tín chấp nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn cho nông dân sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh đến đâu, vẫn cần sự tích cực vào cuộc không chỉ của riêng hệ thống ngân hàng.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 30-9, tổng dư nợ các TCTD khu vực ÐBSCL đạt khoảng 331.546 nghìn tỷ đồng, tăng 8,49% so với cuối năm 2013, chiếm 9% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế; trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 70%, trung dài hạn chiếm 30%. Năm 2011, vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 66,4% nhưng đến cuối năm 2013, tỷ lệ này được nâng lên 81,82%. Cùng với đó, nợ xấu ở mức 3%/tổng dư nợ trong ba năm gần đây.

 

Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành cho khu vực ÐBSCL vẫn tăng đều qua các năm. Ðến ngày 30-9, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực ÐBSCL của Agribank là 77.974 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng dư nợ của vùng. Số khách hàng của Agribank tại đây là 886.785 khách hàng, chiếm 24,34% tổng số khách hàng của Agribank trên toàn quốc.

Ðể triển khai được nguồn vốn hiệu quả, Agribank kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, giữ ổn định giá xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ổn định sản xuất...

 

Bài và ảnh: HỒNG ANH
Theo: nhandan.com.vn