Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế

Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế
Dịch cúm gia cầm H5N1 xẩy ra trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, trên cả nước, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao. Vì vậy, việc đề cao cảnh giác và chủ động ngăn chặn dịch bệnh vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành chuyên môn cùng với các cấp chính quyền địa phương ở thời điểm này.

 

Khống chế kịp thời

Dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn tỉnh được phát hiện từ ngày 11/2 tại xã Cẩm Hòa và tiếp đến ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên), Thuần Thiện (Can Lộc), làm chết và buộc phải tiêu hủy hơn 2.000 con gia cầm của 10 hộ chăn nuôi.

Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế
Cán bộ thú y xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) tiêm vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm

Ngay sau khi phát hiện, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương tập trung cao cho công tác khống chế và dập dịch. Ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Dịch được khống chế kịp thời là bởi chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm trên địa bàn vùng có dịch; tổ chức lập chốt chặn; phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi, chuồng trại có nguy cơ cao. Cán bộ chuyên môn Chi cục Thú y và thú y cơ sở bám sát địa bàn theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý nhanh khi phát hiện ổ dịch mới... Chi cục Thú y cung ứng vắc-xin và các địa phương khẩn trương tiêm phòng bao vây cho đàn gia cầm tại các xã có dịch và vùng bị dịch uy hiếp, nguy cơ cao.

Theo ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, sau khi nhận được vắc-xin, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng bao vây tại 2 xã có dịch và 4 xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp. Huyện cũng đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm cho tất cả đàn gia cầm trên địa bàn. Đến thời điểm này, toàn huyện đã tiêm phòng cho hơn 350.000 con, chiếm gần 70% tổng đàn gia cầm tại 27/27 xã, thị trấn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp bao vây, dập dịch, dịch cúm gia cầm ở xã Thuần Thiện cũng được khống chế hoàn toàn. 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã và đang tích cực tiến hành tiêm vắc-xin phòng dịch cúm H5N1 cho tổng đàn hơn 500 nghìn con.

Chủ động ngăn chặn nguy cơ

Từ ngày 17/2 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới và không có gia cầm ốm, chết buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương vẫn chưa qua mốc 21 ngày để được công nhận hết dịch. Trong khi đó, diễn biến dịch trên cả nước vẫn đang hết sức phức tạp. Đặc biệt, nguy cơ lây lan từ 2 tỉnh Quảng Bình, Nghệ An còn rất cao. Trong khi đó, tỉnh ta có tổng đàn gia cầm khá lớn nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Nhiều địa phương có mật độ chăn nuôi cao nhưng điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo. Qua giám sát của cơ quan chuyên môn, tỉ lệ lưu hành vi-rút cúm H5N1 khá cao; mặt khác, thời gian này, độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh là điều kiện thuận lợi để vi-rút lây lan, phát triển.

Ông Trần Hữu Duyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng: Nguy cơ lớn vẫn tiềm ẩn bởi công tác quản lý vận chuyển gia cầm trên địa bàn còn hạn chế; việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ, an toàn thú y tại các cấp cơ sở còn lỏng lẻo; đội ngũ cán bộ thú y cơ sở thiếu về số lượng.

“Trước tình hình trên, thời gian này, ngành chuyên môn cùng với các địa phương cần chủ động phòng chống dịch. Theo đó, tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, phát hiện dịch sớm, xử lý kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm vào địa bàn; tuyệt đối không để các hộ chăn nuôi tại các vùng đang có dịch bổ sung đàn khi chưa được phép; tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời tổ chức ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại tất cả các khu vực chăn nuôi, nhất là vùng có mật độ chăn nuôi cao...” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Trần Hùng nhấn mạnh.

Hữu Trung 
Nguồn baohatinh.vn