Định hướng đổi mới phân cấp đầu tư trung ương và địa phương
- Chủ nhật - 15/07/2012 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PCĐT là một trong các nội dung phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và quá trình này được triển khai sớm, ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi miền Bắc Việt Nam đang còn đồng thời thực hiện cả 2 nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng, kiến thiết đất nước. Thực tế cho thấy, PCĐT thường có nhiều bước chuyển mạnh gắn liền với những thay đổi lớn về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện chiến lược, cũng như cơ chế phát triển, quản lý kinh tế đất nước từng giai đoạn lịch sử cụ thể…
1. Tác động 2 mặt của phân cấp đầu tư trung ương và địa phương
Nghị quyết của Chính phủ số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẳng định: Để đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, tập trung vào phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên các lĩnh vực chủ yếu nhất: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển; ngân sách nhà nước; đất đai, tài nguyên; doanh nghiệp nhà nước; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó, để tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp (tỉnh - huyện - xã).
Trên thực tế, cùng với phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, PCĐT đã từng bước được tăng cường đáng kể cả bề rộng, lẫn bề sâu. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đã được tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định: quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; phân bổ và điều hành ngân sách địa phương; quản lý đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp; quản lý các hoạt động sự nghiệp và quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, cán bộ công viên chức. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được thí điểm phân cấp nhiều hơn trong một số lĩnh vực, từ đó rút ra những bài học bổ ích để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh…
Một mặt, những kết quả đạt được về phân cấp những năm vừa qua đã góp phần phát huy được tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương; tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài NSNN, trong nước và quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và lợi ích của nhân dân, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, PCĐT hiện hành đang bộc lộ một số bất cập và tác động mặt trái, cần được đánh giá và điều chỉnh cần thiết và kịp thời, trong đó nổi bật là:
Thứ nhất, một số nội dung phân cấp đã được pháp luật quy định, nhưng chậm được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không triệt để; Chưa bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất, còn biểu hiện phân tán, cục bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chưa chú trọng việc thanh tra, kiểm tra đối với những việc đã phân cấp cho địa phương;
Thứ hai, chưa xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, của tập thể và cá nhân trong quy trình và thực tế triển khai những nhiệm vụ đã được phân cấp, hoặc chỉ dừng lại ở việc phân cấp nhiệm vụ; Chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công, đại diện chủ sở hữu đối với các tổ chức kinh tế nhà nước và tài sản nhà nước.
Thứ ba, chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, còn thiếu sự ăn khớp, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan; chưa đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, phân cấp quyền lực, tài chính, phân cấp về quản lý nhân sự; chưa tạo điều kiện thực tế cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực và các nhu cầu cụ thể của mình.
Thứ tư, các quy định phân cấp hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn của mỗi khu vực, vùng lãnh thổ, chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa quản lý nhà nước đối với đô thị và nông thôn.
Thứ năm, đặc biệt, cơ chế phân cấp quản lý đầu tư hiện nay cũng bộc lộ khá rõ những tác động tiêu cực thể hiện rõ nét trong sự tự phát và gia tăng đột biến số lượng các dự án được cấp phép chủ yếu trong các lĩnh vực đòi hỏi nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên, ít tạo ra hàng hóa, nhất là dự án sân golf, thép, lọc dầu, bất động sản và khai thác tài nguyên không tái tạo; Đồng thời, đồng hành với xu hướng này là sự bùng nổ ở nhiều địa phương “làn sóng” rút giấy phép đầu tư hàng loạt dự án ( tỉnh Bắc Ninh có 46 dự án bị rút giấy phép, Tây Ninh có 22 dự án, Lâm Đồng 29 dự án, Ninh Thuận 12 dự án, Phú Quốc -Kiên Giang- 12 dự án, và ở Dung Quất -Quảng Ngãi- 23 dự án.... do các chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, các mục tiêu trong giấy phép đã cấp không được thực hiện, tiến độ bị ngưng trệ, kéo dài hoặc doanh nghiệp lập dự án với mục đích chiếm dụng đất, chuyển nhượng để hưởng lợi. Việc không phải thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án là một sự cải cách đáng kể. Nhưng điều đó khiến các địa phương có thể lúng túng trước các dự án đăng ký hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD vốn và đi kèm theo đó là áp lực hậu kiểm. Dù thủ tục đầu tư đã thông thoáng hơn, nhưng nhiều địa phương cho biết, họ đang phải chịu áp lực khác trong việc tiền kiểm các dự án, khi mà mức độ phức tạp về công nghệ, tính chất của dự án ngày càng tăng, trong khi nhân lực của các ban quản lý lại thiếu và yếu… Hơn nữa, việc thẩm định đầu tư dự án sử dụng ngân sách hầu hết do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận, chưa có cơ chế để các tổ chức tư vấn độc lập tham gia và mang ý nghĩa như một thủ tục hành chính cần phải có hơn là thực chất. Đó là chưa kể sự dễ dãi, xuê xoa để đôi bên cùng có lợi. Riêng với doanh nghiệp nhà nước, việc thẩm định gần như do doanh nghiệp tự quyết định, trừ những dự án có quy mô tầm cỡ quốc gia..
Đặc biệt, điều đáng quan tâm là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư lại giảm ngược với tiến trình tăng PCĐT của Chính phủ. Theo Bộ KH-ĐT, cả nước có trên 32.000 dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đang được thực hiện. Mức độ lệ thuộc vào vốn đầu tư để tăng trưởng của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi hiệu quả sử dụng vốn giảm rất nhanh (giai đoạn 1991-1995, vốn chỉ đóng góp 29,8% vào tăng trưởng GDP, nhưng đến giai đoạn 2001-2005 đã tăng lên tới 60% và vẫn tiếp tục tăng lên).
Có thể nói, sự PCĐT hiện hành đang làm gia tăng hoạt động đầu tư kiểu phong trào, mạnh ai nấy làm, chạy đua tự phát giữa các địa phương kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” , hoặc vì lợi ích nhóm, cục bộ và ngắn hạn, dễ phá vỡ toàn bộ quy hoạch, kế hoạch thống nhất, gây tổn hại cả về kinh tế-tài nguyên-môi trường và sức cạnh tranh, cũng như các lợi ích chung, quốc gia và dài hạn khác …
Tình trạng trên đây có nhiều nguyên nhân khác nhau, về cả nhận thức, quan điểm về các chủ trương, tổ chức chỉ đạo, thể chế, chính sách và các giải pháp phân cấp quản lý nhà nước thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
2. Những mục tiêu và nguyên tắc cần quán triệt trong PCĐT giai đoạn tới
Mục tiêu cao nhất và cuối cùng của PCĐT - như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 chỉ ra- là nhằm tiếp tục giải phóng và phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện những đột phá thể chế cần thiết, trước hết là thể chế kinh tế thị trường, góp phần tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, cơ chế quản lý đầu tư phù hợp, để ngày càng nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và các nguồn lực, bảo đảm an ninh quốc gia, cải thiện hiệu quả các hoạt động đầu tư cả về kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương theo yêu cầu phát triển bền vững.
Các nguyên tắc và nội dung cần quán triệt cả trong nhận thức, chỉ đạo và triển khai thực tế các hoạt động phân cấp đầu tư giữa trung ương và địa phương là tiếp tục tinh thần và có chỉnh sửa những quy định cụ thể có liên quan đã thể hiện trong Nghị quyết của Chính phủ số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chú ý những điểm nhấn sau:
Thứ nhất, PCĐT một cách khoa học và gắn với tăng cường kiểm tra, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, liên tục.
PCĐT cần bảo đảm quản lý thống nhất của các cơ quan nhà nước trung ương về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra. PCĐT trên cơ sở cấp nào làm tốt nhất và hiệu quả nhất việc nào thì giao cấp đó thực hiện; đồng thời, phân công rõ ràng, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, và phải gắn với tăng cường năng lực và kiểm tra giám sát thực hiện của địa phương, cơ sở. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính, chuyên trách; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, cũng như các tổ chức giám sát và kiểm toán độc lập và khuyến khích người dân tham gia vào quản lý; sử dụng công nghệ mới để xác lập một hệ thống giám sát - đánh giá độc lập của cơ quan hành chính cấp trên đối với việc thực hiện của các cơ quan trực thuộc.
Thứ hai, bảo đảm sự đồng bộ các nội dung phân cấp quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ và phù hợp với xu hướng tái cấu trúc tổng thể kinh tế theo yêu cầu phát triển hiện đại và bền vững.
Phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa ngành và cấp trong triển khai, gắn với đổi mới cơ chế và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở.
Bảo đảm nguyên tắc hiệu quả tối ưu và toàn diện, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện; phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, tổ chức, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác; phải đồng bộ, ăn khớp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan trong sự phù hợp với xu hướng tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững.
Thứ ba, bảo vệ hữu hiệu các lợi ích quốc gia, hạn chế tối đa sự lạm dụng vì các lợi ích nhóm ngắn hạn, cục bộ và cực đoan;
PCĐT không phải là công việc làm một lần và duy trì mãi, bất chấp cơ sở thực tế đã có những thay đổi căn bản. Trong quá trình PCĐT, cần có cơ chế bảo vệ và sự giám sát thường xuyên sự vẹn toàn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh quốc gia cả về quốc phòng, kinh tế, xã hội, nhân lực và tài nguyên và môi trường.
Cần đổi mới căn bản cơ chế cán bộ để tuyển dụng được người tài vào cơ quan quản lý nhà nước và giảm thiểu tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ như là nguy cơ lớn nhất và lâu dài nhất của tình trạng tham nhũng quốc gia.
Thứ tư, không cào bằng, cố định và biệt lập chính sách PCĐT, tăng cường năng lực, tính chủ động và linh hoạt của cơ sở, địa phương
PCĐT phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực, vùng lãnh thổ, với từng loại hình đô thị, nông thôn, với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế; Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong PCĐT, từ hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật và Bảo đảm quyền và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định, thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; Đồng thời, phát huy dân chủ rộng rãi, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở trong quản lý nhà nước.
Phân cấp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, các văn bản của trung ương và phù hợp với đặc thù của địa phương, nhất là cần phân biệt đô thị với nông thôn, thành phố trực thuộc trung ương với các tỉnh và thành phố khác. Các nội dung phân cấp khác với quy định phải trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận, nếu không được phép thì đề nghị được làm thí điểm; Đồng thời, thực hiện phân cấp theo lộ trình đối với các lĩnh vực mà điều kiện để triển khai thực hiện quản lý sau phân cấp còn có nhiều khó khăn, bất cập; quá trình phân cấp phải đảm bảo yêu cầu kế thừa có chọn lọc, phân cấp trên cơ sở năng lực và điều kiện triển khai cụ thể của từng địa phương để tiến tới triển khai phân cấp toàn diện.
3. Một số định hướng cụ thể để tăng cường PCĐT
Thứ nhất, phối hợp PCĐT với phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng:
- Chính phủ thống nhất quản lý công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước, bao gồm: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có ý nghĩa chiến lược; quy hoạch tổng thể phát triển ngành, vùng kinh tế; quy hoạch chung xây dựng các đô thị (từ loại II trở lên); quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Các bộ quản lý ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch phát triển ngành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quyết định quy hoạch cụ thể phát triển nội bộ ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.
- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cả nước, của ngành, của vùng kinh tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng các quy hoạch cấp địa phương, bao gồm: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các tiểu vùng lãnh thổ thuộc tỉnh và của các đơn vị hành chính trực thuộc; quy hoạch cụ thể phát triển ngành trên địa bàn; quy hoạch xây dựng các đô thị (từ loại III trở xuống), nông thôn của tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn, trước khi quyết định.
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của cấp nào do cấp đó quyết định. Chính phủ lập, trình Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thứ hai, PCĐT về nguồn vốn tiếp tục theo hướng:
- Không lệ thuộc vào nhóm A, B hoặc C, không áp dụng cơ chế uỷ quyền của cấp trên cho cấp dưới.
- Chính quyền cấp tỉnh được quyền quyết định các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương và cấp giấy phép cho các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng quản lý của địa phương.
- Chính phủ điều hành đầu tư từ ngân sách trung ương do Quốc hội phê chuẩn. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán, điều chỉnh, phân bổ, quyết toán các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định một số chế độ, tiêu chuẩn định mức chi tiêu đầu tư ngân sách trong trường hợp không trái quy định của pháp luật; quyết định một số loại, mức lệ phí và các khoản đóng góp của chủ đầu tư và nhân dân phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương.
- Để tăng vốn đầu tư cho địa phương, tiếp tục điều chỉnh lại các nguồn thu và tăng tỷ lệ để lại cho địa phương theo hướng để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức phát triển trung bình của cả nước tự cân đối được chi thường xuyên theo định mức của Chính phủ.
Thứ ba, phối hợp PCĐT với phân cấp quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia theo hướng:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh.
- Chính quyền địa phương các cấp trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về quản lý nhà nước đối với đất đai, tài nguyên trên địa bàn (trừ những trường hợp có quy định riêng của Chính phủ); chịu trách nhiệm quản lý sự biến động đất đai và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch, quyết định kế hoạch sử dụng đất; quyết định hạn mức giao đất, cho thuê đất, thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của địa phương trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt; quyết định giá đất cụ thể theo khung giá các loại đất do Chính phủ quy định.
- Đặc biệt, để bảo đảm an ninh toàn vẹn lãnh thổ (nhất là vùng biên giới, hải đảo) và sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, cùng các tài nguyên quốc gia khác trong quá trình đầu tư, cần kiên quyết nghiêm túc thực hiện rà soát và không cho phép chính quyền địa phương các tỉnh biên giới và có hải đảo ký quyết định đầu tư giao đất và rừng, đảo và thực hiện các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản khác cho các nhà đầu tư nước ngoài; có biện pháp xử lý dứt điểm thỏa đáng để dừng và sớm chấm dứt những dự án đầu tư loại đó đã ký và đang triển khai.
Thứ tư, PCĐT cần gắn với phân định rõ quyền quản lý, sử dụng tài sản có được do đầu tư của các cấp (gắn với trách nhiệm) theo hướng:
- Phân loại tài sản cấp quốc gia, có loại tài sản cấp tỉnh, có loại tài sản cấp huyện, có loại tài sản cấp xã.
- Tài sản của cấp nào do cấp đó quyết định và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, định đoạt theo quy định của pháp luật.
PCĐT cũng cần gắn với phân cấp quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước của mỗi cấp chính quyền đối với phần vốn và tài sản nhà nước đầu tư trong các doanh nghiệp theo hướng:
- Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án thành lập công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; quyết định thành lập các tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng.
- Chính quyền cấp tỉnh quyết định việc thành lập và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước do địa phương trực tiếp quản lý theo đề án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.
Thứ năm, PCĐT cũng cần gắn với phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, theo hướng:
- Chính phủ thống nhất quản lý chiến lược, quy hoạch, thể chế, chính sách và thanh tra, kiểm tra các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức cung ứng các dịch vụ công thiết yếu nhất, quan trọng trên phạm vi cả nước và những dịch vụ công mà chính quyền địa phương không có khả năng, điều kiện thực hiện.
- Chính quyền cấp tỉnh quyết định: Quy hoạch mạng lưới tổ chức, quyết định thành lập và quản lý các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công trên địa bàn như: giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao, dịch vụ công ích vệ sinh, môi trường, nước sạch... và các dịch vụ phục vụ sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công...); Các chủ trương, biện pháp cụ thể để khuyến khích phát triển và đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công ở các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao... để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân địa phương. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công về kế hoạch, tài chính, nhân lực, tổ chức, cán bộ.
- Chuyển giao cho chính quyền cấp tỉnh trực tiếp quản lý các đơn vị sự nghiệp hiện do các bộ, ngành đang quản lý, trừ một số đơn vị sự nghiệp đặc thù, phức tạp, có tính chất quan trọng, chính quyền địa phương chưa đủ khả năng, điều kiện quản lý.
- Chính quyền các thành phố chịu trách nhiệm quản lý các dịch vụ công cộng trên địa bàn đô thị; trực tiếp thực hiện các hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...; quyết định chủ trương khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.
Thứ sáu, PCĐT gắn với phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy và cán bộ công, viên chức theo hướng:
- Trên cơ sở các quy định khung của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (trừ một số cơ quan chuyên môn do Chính phủ quy định thống nhất) và các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, phù hợp với tình hình, đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương; quyết định việc điều chỉnh một số nhiệm vụ cụ thể giữa các sở, ban, ngành của cấp tỉnh và cấp huyện (không phải là những nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu theo chức năng của mỗi cơ quan chuyên môn).
- Căn cứ vào các định mức, tiêu chuẩn biên chế do Chính phủ quy định, chính quyền cấp tỉnh xác định tổng biên chế hành chính của địa phương trình Chính phủ quyết định; quyết định tổng biên chế sự nghiệp của tỉnh; quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế cán bộ, công chức hành chính cho từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện; quyết định các chế độ khuyến khích, thu hút nhân tài, nhân lực có trình độ cao về làm việc tại địa phương; quyết định cụ thể số lượng cán bộ chuyên trách, công chức thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định khung của Chính phủ; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã phù hợp với đặc điểm, tính chất và khả năng ngân sách của mỗi địa phương.
- Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh và quy trình cán bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, từ chức đối với người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân và đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, không phải thoả thuận với các bộ, ngành liên quan.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những việc được phân cấp quản lý nhà nước…
Cuối cùng, điều cần nhấn mạnh rằng, để PCĐT có hiệu quả, cần sớm hoàn thiện và thực hiện Luật đầu tư công, Luật Đô thị, Luật bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, Bộ Tiêu chuẩn hóa quy trình tuyển chọn các chức danh cán bộ quản lý nhà nước và một số luật định khác có liên quan tạo cơ sở pháp lý đồng bộ và phù hợp cho quá trình tăng cường và thực hiện PCĐT nói riêng, phân cấp quản lý nhà nước nói chung…
Theo Taichinhdientu