Doanh nghiệp chăn nuôi "khát" đất!
- Thứ ba - 09/10/2012 23:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“TRẮNG MẮT” TÌM ĐẤT
Ông Trần Xuân Dũng – đại diện Cty TNHH Sunjin Vina chuyên về gia súc và TĂCN kể khổ: “Chúng tôi muốn đầu tư thêm nhà máy tại một KCN ở Hà Nam. Vậy nhưng, chủ trương của tỉnh này không muốn có thêm nhà máy TĂCN nên đất ở KCN “cấm cửa” với ngành chăn nuôi. Hỏi lý do, họ bảo ngành chăn nuôi đóng thuế ít, để dành đất ưu tiên cho các dự án khác đóng thuế nhiều hơn”.
Còn ông Vương Ngọc Long – Giám đốc kỹ thuật Cty bò sữa VN cho biết, hiện 5 trang trại với 9.000 con bò sữa, cho sản lượng 70 – 80 tấn sữa/ngày của Cty không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên Cty có ý định mở rộng thêm một số trang trại tại Ninh Bình và Lạng Sơn.
Theo tính toán, 1 trang trại nuôi 2.000 bò sữa phải có 30 – 40 ha đất, cộng với khoảng 100 ha nguyên liệu TĂCN tập trung trong dân. Vậy nhưng, trắng mắt tìm đất tại 2 tỉnh này đến giờ vẫn chưa có, dự án vì thế chưa thể triển khai được. “Nếu tình hình này không được giải quyết, các Cty trong nước cũng có thể phải tìm cơ hội đầu tư ở các nước lân cận như Campuchia và Lào thôi” – ông Long nói.
Vấn đề “khát” đất chăn nuôi cũng được vị đại diện Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) bày tỏ lo ngại: “Nếu muốn DN đầu tư thì trong định hướng quy hoạch phải nêu rõ diện tích đất cho chăn nuôi cụ thể ở từng vùng, miền, địa phương; từng loại vật nuôi trên mỗi vùng quy hoạch; rồi mỗi vùng, địa phương đó sẽ có bao nhiêu trang trại, hình thành bao nhiêu nhà máy TĂCN… thì mới ổn. Nếu không, ngành chăn nuôi rất dễ rơi vào “vết xe đổ” của ngành xi măng khi sản lượng dư thừa, chẳng biết bán đi đâu; hoặc bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhưng vài năm sau phải di dời thì chỉ có nước phá sản”.
Cục Chăn nuôi khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư vào chăn nuôi lớn, tập trung
Vị này cũng khẳng định, căn cứ vào quy hoạch đất đai cụ thể, Agribank mới có thể hợp tác với các DN để cho vay đầu tư được. Tính đến đầu tháng 10/2012, Agribank đầu tư tín dụng cho ngành chăn nuôi vào khoảng 20.000 tỷ đồng, nếu giải quyết rõ vấn đề quy hoạch, đất đai ổn định thì thời gian tới số vốn giải ngân cho chăn nuôi chắc chắn còn tăng cao.
Ngoài vấn đề đất đai, nhiều DN khác cũng bày tỏ sự lo lắng vấn đề mất kiểm soát dịch bệnh, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, chế biến giết mổ lậu tràn lan. Ông Nguyễn Văn Ngà – Cty Chăn nuôi Japfa Comfeed nói: “Muốn đầu tư thêm nhưng chúng tôi sợ nhất chuyện kiểm soát dịch bệnh đang vô cùng yếu kém. Dịch bệnh bùng nổ, tức “lửa” đã cháy rồi mới hô hào người dân dập lửa thì không thể được, kiểu gì cũng có thiệt hại. Vì thế, vấn đề kiểm soát dịch bệnh như cúm gia cầm, LMLM, tai xanh…, cần phải được ưu tiên giải quyết càng sớm càng tốt”.
PHẢI MẠNH DẠN QUY HOẠCH
Để giải quyết vấn đề nóng về đất đai, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, chính quyền các địa phương cần chủ động quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư (trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên dưới hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất ổn định theo nhu cầu của DN).
Từng địa phương cũng cần quy hoạch lại việc sử dụng đất và xác định kế hoạch sử dụng lâu dài cho từng dự án chăn nuôi trên địa bàn. Sau đó, chính thức hóa vào hồ sơ, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để DN yên tâm đầu tư lâu dài.
Về xây dựng vùng nguyên liệu TĂCN, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần khuyến khích các DN cùng với Chính phủ đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu trong nước theo định hướng sau: Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư FDI vay để xây dựng kết cấu hạ tầng cần thiết tại vùng nguyên liệu. Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng cho vay ưu đãi để đầu tư trực tiếp vào vùng trồng trọt.
Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, các DN FDI đầu tư vào chăn nuôi sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác. Cục này còn đề nghị Chính phủ xem xét xóa bỏ sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng có nguồn vốn nhà nước. Theo đó, các dự án FDI trong chăn nuôi cũng là đối tượng được hưởng cả 3 chế độ tín dụng từ Ngân hàng Phát triển gồm: vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng.
Nhiều đại biểu kiến nghị, để khắc phục những yếu kém và nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực tại các dự án FDI trong chăn nuôi, nhà nước cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động làm việc tại các dự án này. Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cả nước hiện có trên 6.200 trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng (gần 39%) và Đông Nam bộ (gần 30%), trong khi các vùng miền khác có rất nhiều lợi thế chăn nuôi lại bị bỏ ngỏ. Vì thế, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi sắp tới sẽ chuyển dịch dần từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư. |
Theo nongnghiep.vn