Doanh nghiệp có vai trò quyết định trong chuỗi liên kết giá trị nông sản

Doanh nghiệp có vai trò quyết định trong chuỗi liên kết giá trị nông sản
Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu" được tổ chức ngày 8/10, thu hút hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tham dự.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT chủ trì diễn đàn. Ảnh: Minh Phúc
 
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến nay, cả nước đã có gần 3.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã có gần 1.500 chuỗi sản phẩm được chứng nhận.
 
Việt Nam hiện đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp như chuỗi liên kết cá tra ba cấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, lâm sản chủ lực và lúa gạo.

Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp đã thu hút hơn 9.000 doanh nghiệp đầu tư (vốn bình quân là 18 tỷ đồng). Trong đó, có 1.082 doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, điển hình như Vingroup, T&T, Nafoods, Vinamilk, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Đồng Giao…

Diễn đàn có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam và quốc tế. Ảnh: Minh Phúc

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm qua, nội dung liên kết đã được đưa vào trong các chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Cụ thể là chỉ tiêu xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực nhằm đảm bảo bền vững. Nhờ đó, cả nước đã xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, trong chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp có vai trò quyết định, là lực lượng dẫn dắt người sản xuất và các tổ chức đại diện của nông dân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng là lực lượng tiên phong để thâm nhập, khai mở các thị trường trong nước và nước ngoài, đưa nông sản Việt vươn tầm quốc tế.

Còn nhà nước có nhiệm vụ ban hành cơ chế để tạo sân chơi và môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, chính quyền địa phương… gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn. Muốn làm được điều đó, ngoài chính sách ưu đãi về thuế, cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết.

“Các mối liên kết phải đa dạng, hướng tới sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao, các công cụ truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa thông tin”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn