Doanh nghiệp, khổ vì phí

Doanh nghiệp, khổ vì phí
Nhiều thập kỷ qua, doanh nghiệp (DN) phải rất cố gắng mới làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách cho nhà nước, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, có vốn để quay vòng sản xuất... Đã vậy, DN còn liên tục chịu nhiều loại phí, không loại trừ việc phí chồng phí đầy bức xúc. Thực tế này khiến nhiều DN bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Người nuôi heo đang phải chịu nhiều loại phí.

Quá nhiều loại phí!

Đó là lời than của tổng giám đốc một công ty phần mềm khi thường xuyên phải nộp những loại phí mà nhiều khi chỉ dùng dịch vụ đó một lần trong năm. Những DN sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho đời sống lại càng phải chịu nhiều loại phí hơn. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết: Để có được thịt heo cung cấp cho người tiêu dùng, hàng loạt phí đã “ăn” vào giá thành sản phẩm như: phí môi trường, phí kiểm dịch, phí giết mổ, phí vận chuyển… Trong khi đó, sức mua yếu, DN phải có nhiều hình thức khuyến mãi mới bán được sản phẩm, song vẫn phải làm để giữ mạng lưới kinh doanh, ổn định thị trường.

Ông Nguyễn Thái Tân (chủ trại nuôi heo ở Định Quán, Đồng Nai) nói: Người chăn nuôi bây giờ nhiều khi không nhớ nổi có bao nhiêu loại phí được tính trên đầu con heo. Nào là phí kiểm dịch, môi trường, giết mổ, chẩn đoán thú y, phòng chống dịch bệnh… Tóm lại, từ khâu chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc, chế biến, vận chuyển heo đến lò giết mổ, giết mổ đều phải đóng phí. “Việc đóng phí như vậy là quá nhiều nhưng khi heo giết mổ xong người kinh doanh lại phải đóng thêm phí cho sản phẩm trên đường vận chuyển đến nơi bán; người bán phải đóng thêm những khoản phí khác như phí môi trường, an ninh. Phí nhiều, giá thành chăn nuôi cao, người nuôi thua lỗ, người tiêu dùng cũng thiệt thòi, chỉ có thương buôn là có lãi”, ông Tân bức xúc.

Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, nghề nuôi cá tra xuất khẩu cũng đang gặp khó trăm bề, ngoài nguyên liệu đầu vào cao, giá sản phẩm hạ, thị trường mất dần khách hàng, dịch bệnh bủa vây, các loại phí đang được áp dụng đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra cũng không ít. Ví dụ, chi phí để đạt được giấy chứng nhận sản xuất an toàn khoảng 100 triệu đồng (lần thứ nhất), tái đánh giá năm sau người nuôi phải tốn 50% mức phí. Để có được bộ quy chuẩn này, người nuôi cá tra không tự làm được mà phải thuê đơn vị tư vấn, mức phí tương đương phí cấp chứng nhận, người nuôi nhiều tốn nhiều, người nuôi ít tốn ít, có nông dân mỗi năm đóng 200-300 triệu đồng để có các loại giấy chứng nhận quy chuẩn chất lượng.

Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hiện đang phải “cõng” trên lưng nhiều loại phí, ngoài các loại phí đã được tính trong khâu sản xuất, hàng hóa còn phải đóng phí giao thông, thậm chí cả những loại phí... bất thành văn. Điều này ảnh hưởng đếnquá trình sản xuất, kinh doanh của DN, khiến giá sản phẩm bị đội lên và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng.

Cần rà soát

“Thực tế thấy, ngoài những loại phí theo quy định của nhà nước, nhiều địa phương còn “sáng tác” thêm để bổ sung nguồn thu của địa phương. Những loại phí trên đã làm giảm sức cạnh tranh của DN”, bà Trịnh Thị Mùi, chủ trại heo ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết.

Theo bà Mùi, việc đóng phí trong hoạt động chăn nuôi heo là cần thiết nhưng nếu phải đóng quá nhiều khoản như hiện nay thì không hợp lý và quá sức đối với người chăn nuôi khi mà họ đang gặp khó khăn chồng chất. Đối với hoạt động chăn nuôi heo công nghiệp, DN đã đóng thuế, thuế lại lũy tiến tăng hàng năm, trong tiền thuế này chắc chắn bao gồm cả phí môi trường, phí giết mổ…, vì vậy, cần giảm bớt một số loại phí để tiếp sức cho DN kinh doanh sản xuất.

Cũng theo ông Mười, Nhà nước thu phí cũng được nhưng thực chất phí này phục vụ cho cái gì mới đáng quan tâm. Với một đơn vị sản xuất thì nguồn nguyên liệu đã được kiểm soát từ chăn nuôi đến giết mổ rồi. Bây giờ lại đi kiểm tra lại từng khâu thì quả là lãng phí.

Sau những lời than thở, DN kiến nghị Nhà nước rà soát lại các loại phí hiện nay, nhất là các loại phí không hợp lý do địa phương đưa ra. Các loại phí này sau khi rà soát cần được loại bỏ, giúp DN tăng thêm nội lực, đủ sức cạnh tranh trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố cho thấy, người Việt đang phải chịu gánh nặng thuế phí cao hơn nhiều nước so với khu vực. Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế nhận thấy thu ngân sách giai đoạn 2007 - 2011 khá ổn định, khoảng 29% GDP. Trong đó thu từ thuế - phí là 26,3%, còn thu từ dầu thô đang có xu hướng giảm. Nếu loại trừ nguồn này, tỷ lệ thuế - phí so với GDP là 21,6%.

Cùng với thiệt thòi do lạm phát, Ủy ban Kinh tế cho rằng, người Việt đang phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí cao từ 1,4 - 3 lần so với các nước láng giềng.


Trần Trọng Triết

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn