Doanh nghiệp nông sản trước Hiệp định TPP: Chạy đua phát triển thị trường nội địa

Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu nông sản mở rộng đầu tư phát triển thị trường nội địa nhằm “phòng thủ” ở “sân nhà”, trước khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Trước đây, phần lớn DN chỉ chăm chút cho các hoạt động xuất khẩu và bỏ qua thị trường nội địa, hoặc chỉ phân phối những sản phẩm phẩm cấp thấp cho người tiêu dùng trong nước.

Chiến lược “phòng thủ”

Bà Đồng Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất, dịch vụ và thương mại Thuận Huệ (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, DN bà chuyên kinh doanh, khai thác, chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản gần 10 năm nay. Trong đó, nổi bật nhất là các mặt hàng khô cá bò, cá chai và cá mắt kiến. Với chất lượng sản phẩm được phép xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thuận Huệ chỉ tập trung chế biến hàng cho xuất khẩu. Mỗi tháng, DN này xuất khẩu sang Hàn Quốc 7 – 8 container hải sản các loại, mỗi container tương đương 12 tấn hàng. Thuận Huệ cũng thực hiện ủy quyền, cung cấp nguyên liệu cho một số DN khác xuất hàng sang Nhật Bản.

 

 

 Hoa quả nhập khẩu chiếm vị trí khá tốt trong siêu thị Việt.

Giải thích nguyên nhân việc chỉ phát triển kinh doanh bằng hoạt động xuất khẩu, bà Huệ cho rằng, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ các sản phẩm hải sản đơn giản, trong khi đó, Thuận Huệ chuyên chế biến những sản phẩm cao cấp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài hơn.

Mặc dầu vậy, nhận thấy rằng nếu không sớm “phòng thủ” ở thị trường trong nước trước khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương như TPP… được ký kết, DN sẽ khó khăn hơn vì sản phẩm từ các nước tràn vào do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, Thuận Huệ bắt đầu đầu tư phát triển thị trường nội địa.

 

Quan điểm
TS Trần Du Lịch • Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội
  Việt Nam đang có sự phát triển thiếu đồng bộ giữa xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, bỏ qua nhiều cơ hội phát triển tại thị trường trong nước. Ví dụ cụ thể là việc xuất khẩu gạo đạt 3,5 tỷ USD nhưng Việt Nam lại phải nhập khẩu đến 3,7 tỷ USD các sản phẩm thức ăn chăn nuôi...  
 
“Thị trường nội địa vốn không được quan tâm nhiều xưa nay nhưng 10 ngày nữa, Thuận Huệ sẽ tung các sản phẩm chính của công ty ra thị trường, trên cả 63 tỉnh thành của cả nước luôn” - bà Huệ hào hứng cho biết. Theo bà Huệ, với khoản đầu tư lớn và những kinh nghiệm từng có khi đi “đánh xứ người” nhiều năm qua, Thuận Huệ hy vọng sản phẩm của DN sẽ được người tiêu dùng trong nước chấp nhận. 

Ông Thái Doãn Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái Gia Sơn (Bù Gia Mập, Bình Phước) cũng cho biết, là doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản như cà phê, tiêu, điều, cơm dừa, gạo..., các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ với chất lượng cao. Năm 2013, tổng doanh thu của Thái Gia Sơn đạt hơn 15 triệu USD, hoàn toàn từ các hoạt động xuất khẩu. Tuy vậy, bước sang năm 2014, Thái Gia Sơn bắt đầu phát triển thị trường nội địa, đặt mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng như hạt điều rang xay, hạt tiêu xay, đóng lọ...

“Việc phát triển thị trường nội địa là bước chuẩn bị sẵn sàng cho một “cuộc chiến lớn” khi TPP được ký kết. Thái Gia Sơn đặt kỳ vọng rất lớn vào thị trường nội địa và hy vọng sẽ thành công. Vì trên thực tế, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 thị trường trong nước rất khả quan” - ông Hùng nói với NTNN.

Thay đổi dần thói quen kinh doanh

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thói quen của phần lớn DN Việt Nam xưa nay là những sản phẩm tốt, chất lượng cao được dành để xuất khẩu. Ngược lại, những mặt hàng chưa đẹp, chất lượng không ổn định lại để dùng tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, thói quen này đã đến lúc phải thay đổi. TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu hướng về xuất khẩu nhưng không được tách biệt với thị trường nội địa. Lý do là khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế, các hàng rào thuế quan hai chiều sẽ được xóa bỏ. Sẽ không còn ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.

Ông Thái Doãn Hùng thì cho rằng, thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người Việt cũng đã dần nâng cao. DN Việt Nam do đó cũng cần thay đổi quan điểm kinh doanh để có thể phát triển được khi nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước được ký kết thời gian tới.

Tuy nhiên, theo bà Đồng Thị Huệ và lãnh đạo nhiều DN, cái khó là muốn thành công ở thị trường nội địa, DN cũng phải đầu tư thêm khâu đóng gói, nhãn mác phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và chuỗi hệ thống phân phối riêng, có đội ngũ nhân viên đông đảo... Còn nếu phân phối vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm khác, DN cũng sẽ gặp nhiều vấn đề nhiêu khê hơn là phối hợp xuất khẩu ra nước ngoài.

Thuận Hải

Theo Danviet.vn