Doanh nghiệp thủy sản sẽ mất 70 tỷ đồng/năm
- Thứ tư - 17/10/2012 20:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không công bằng Theo quy định hiện hành tại Điều 42 Luật Quản lý thuế, nếu DN chấp hành tốt pháp luật và tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người nộp thuế không có nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt chậm nộp thì vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu được áp dụng thời hạn nộp thuế là 275 ngày. Quy định trên giúp DN có thời gian thu xếp nguồn tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập DN và DN có thể không thường xuyên thực hiện xuất - nhập khẩu, nên xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ nợ, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Do vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó có đề nghị sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế. Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi thì hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, nếu dự thảo trên được thông qua thì đồng nghĩa với việc chúng ta "đánh đồng" các DN chấp hành tốt với các DN nợ thuế và điều này là không công bằng. "Dự thảo quy định trên của Bộ Tài chính là chưa xem xét hết mục đích và lợi ích của chính sách hiện hành cũng như chưa xem tới khó khăn hiện tại của phần lớn các DN xuất khẩu, trong đó có nhiều DN thủy sản, khi mà mọi chi phí đầu vào đều tăng, giá thành sản xuất tăng, hạn mức tín dụng khó khăn và nguyên liệu thiếu dai dẳng", ông Nam nói. DN sẽ khó khăn? Theo VASEP, quy định này nếu được thông qua sẽ khiến DN rơi vào thế khó khăn chồng khó khăn. Cụ thể như hạn mức tín dụng của DN sẽ giảm từ 20 - 40% do ngân hàng trừ vào hạn mức được vay, kéo theo việc co hẹp sản xuất. Doanh thu, kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ giảm tương ứng 20 - 40%. Hơn nữa, quy định này khiến DN không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm cũng tăng do phát sinh chi phí lưu container, phí bảo lãnh phải trả cho ngân hàng… Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương than thở: "Nếu áp dụng điều này thì DN tôi chết trước bởi nhiều bất trắc mà DN sẽ gặp phải, trong đó bất trắc lớn nhất là không còn vốn để hoạt động". Theo tính toán của ông Nam, một tờ khai nhập khẩu từ lúc mở đến lúc xong việc hoàn thuế trung bình là 7 - 8 tháng, nếu không trục trặc gì thì mất 5,5 tháng. Với mức thuế nhập khẩu là 20% thì sau 5,5 tháng, DN hết 88% vốn hạn mức tín dụng mà ngân hàng cho vay. Và nếu chỉ tính phí bảo lãnh tín dụng là 2% thì riêng 9 tháng đầu năm 2012, DN của ông sẽ mất 2 tỷ đồng. Không những thế, quy định này sẽ đẻ ra hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền nhiễu cho cả cơ quan quản lý lẫn ngân hàng và DN. Ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện Công ty Sài Gòn Food cho rằng việc thanh toán quốc tế hiện nay có nhiều hình thức chứ không chỉ có hình thức mở L/C, do vậy không thể dùng L/C của lô hàng kế tiếp làm tài sản ký cược bảo lãnh. "Hơn nữa, nếu các DN nhập khẩu nguyên liệu rồi làm gia công xuất khẩu thì làm gì có L/C", ông Hòa nói. Hiện nay, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% cho chế biến xuất khẩu. Do đó, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nhập khẩu nguyên liệu. Tính từ năm 2007 - 2011, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của nước ta đã tăng từ 247,7 triệu USD lên 541,1 triệu USD. Từ lúc ban đầu có hơn 250 DN tham gia nhập khẩu, thì đến nay có hơn 400 DN nhập khẩu nguyên liệu từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính bình quân giá trị nhập khẩu của nước ta vào khoảng 600 triệu USD/năm với mức thuế bình quân là 20%, thì số thuế không được ân hạn sẽ là 120 triệu USD. Ngân hàng tính phí bảo lãnh là 2,5%, tương ứng 3 triệu USD trong vòng 12 tháng, cộng với lãi suất của 3 triệu USD là 12%/năm thành 3,36 triệu USD, tương đương 70 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa là với trạng thái thuế nhập khẩu không đổi (không thu thêm được thuế), các DN thủy sản mất đi 70 tỷ đồng/năm. Quang Minh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||