Độc đáo cây ngũ quả ngày Tết

Độc đáo cây ngũ quả ngày Tết
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân xã Cao Viên (Thanh Oai - Hà Nội) và nhiều vùng lân cận lại "trình làng" loại cây ngũ quả. Người làm nên điều kỳ diệu ấy và giúp bà con làm giàu là ông Lê Đức Giáp, 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012.

Độc đáo cây ngũ quả

Để giải mã cho sự tò mò về cây ngũ quả, chúng tôi về thôn Bãi (xóm Bồi Thọ, xã Cao Viên) tìm gặp ông Giáp, sinh năm 1966, chủ nhân của loại cây độc đáo này. Trước mắt là khu vườn rộng hơn 1ha rực rỡ sắc đỏ của cam Canh, sắc vàng của bưởi Diễn, song điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng và thú vị hơn cả là được tận mắt ngắm loại cây có 5 thứ quả. Trên cây bưởi Diễn, ngoài những trái bưởi chín vàng, còn có cam Canh đỏ tươi, quất vàng xinh xắn, cam Ma Lai đỏ cà rốt và phật thủ vàng chanh. Các loại quả nằm rải rác trên cả cây nhưng cùng nhau chín, tỏa hương thơm lừng cả một góc vườn. 

Thấy chúng tôi trầm trồ về cây "lạ", ông Giáp giải thích: "Thực ra cây ngũ quả không phải là cây ra 5 loại quả mà là cây nuôi được cả 5 loại quả cùng họ với nhau. Ý tưởng tạo ra cây có nhiều loại quả được tôi thai nghén từ năm 2004, khi một lần đi qua đường Láng - Hòa Lạc, thấy người ta lấy bưởi ở cây khác ghép vào một cây bưởi ít quả hơn, về nhà tôi nảy ra ý định ghép cây nghệ thuật với nhiều loại quả khác nhau". 

Năm 2006, ông Giáp bắt tay vào thực hiện, đến năm 2007 thì loạt cây cảnh nghệ thuật đầu tiên ra đời, nhưng chủ yếu là cây có 3 loại quả, trong đó nhiều cây các quả chín không đều. Năm 2008, ông tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng tạo một mâm ngũ quả ngày Tết trên cùng một cây, nó không chỉ lạ mắt mà còn mang ý nghĩa tâm linh vì trong tiềm thức của người Việt, ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả. Bên cạnh đó, cây ngũ quả không chỉ bày cho đẹp mà chúng còn tạo cảm giác ấm cúng, thanh tao bởi mùi hương nhẹ nhàng, thơm mát của cam, bưởi, phật thủ, dù để lâu trong nhà nhưng quả vẫn tươi nguyên. Đặc biệt là trên cây còn có lộc và hoa cùng nở, biểu thị cho sự may mắn, tài lộc nên được nhiều người yêu thích. 

Chia sẻ về bí quyết tạo cây ngũ quả, ông Giáp cởi mở nói: "Cây gốc thường là cây bưởi Diễn hoặc cam Canh khỏe mạnh, có thân cứng cáp, nhiều cành nhỏ. Tùy đặc tính của loại quả ghép và tình hình thời tiết mà thực hiện ghép ở các thời kỳ khác nhau. Khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm, tôi bắt đầu lai ghép quả bưởi lên cây. Đến giữa tháng 5, đầu tháng 6 thì đưa cam và quýt vào. Tầm tháng 9-10 đưa quất và phật thủ lên. Như vậy, các loại quả sẽ chín đều và một cây sẽ có đủ 5 loại quả trong ngày Tết. Cần lưu ý là các quả này phải được đưa vào ghép ở giai đoạn quả còn non, múi chưa có nước thì cây và quả mới cùng phát triển".
 

 

Ông Giáp bên cây ngũ quả giá 10 triệu đồng.


Cây "lạ" đắt hàng 

Ông Giáp cho biết, những cây ngũ quả có thế đẹp, hình dáng lạ thường thu hút khá nhiều sự chú ý của dân chơi bon sai và các đại gia. Ngay từ đầu tháng Chạp, vườn cây của nhà ông đã tấp nập xe cộ ra vào mua và đặt hàng. Chỉ vào cây bưởi to nhất đang lúc lỉu những quả cam, quýt, phật thủ căng mọng, ông Giáp khoe: "Đây là cây đẹp nhất trong vườn, giá khoảng 10 triệu đồng. Cây nhỏ hơn thì 5 triệu đồng, hầu hết đã có người đặt mua". 

Năm ngoái, ông Giáp ghép 100 cây ngũ quả nhưng giá bán chỉ thuộc dạng trung bình, năm nay ông chỉ làm 50 cây, nhưng cây nào ra cây ấy, quả rất đẹp và sai, giá dao động từ 5-10 triệu đồng/cây. Bên cạnh đó, ông cũng ghép một số cây nhỏ có 2 - 3 loại quả, giá từ 700.000 đồng đến 2 -3 triệu đồng/cây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách bình dân, trong đó có nhiều cây thân bé như ngón tay, cao 60-70cm mà mang trên mình 3 - 4kg quả.

Để đáp ứng thị hiếu của người mua, ông Giáp có thể ghép các loại quả theo ý muốn của khách hàng; ngoài ra, ông cũng cho khách thuê cây, giá thấp hơn cây bán khoảng 10 - 20%, tùy loại. 

Lão nông tài ba

Chia sẻ với chúng tôi, ông Giáp cho biết, Tết Nguyên đán năm 2014, ông dự định ghép loại cây cửu quả (9 loại quả). Hiện, ông đang là Hội trưởng Hội Nông dân xã Cao Viên, cũng là một trong những người tiên phong trồng cam Canh, áp dụng kỹ thuật để cây ra trái sớm, đậu quả và là người duy nhất có vườn cây ngũ quả ở đây.

Theo ông Giáp, nghề trồng cam khá công phu, phải chú ý từ khâu chuẩn bị đất cho đến ươm hạt, chăm sóc cho cây ra hoa kết trái. Trung bình thì sau 4 năm, cam sẽ cho lứa quả đầu tiên, nhưng bằng kỹ thuật đặc biệt của mình, chỉ sau 1 năm, vườn cam nhà ông Giáp đã cho quả rất sai. Ông Giáp tiết lộ: "Bình thường cây cam Canh phải 2 năm tuổi mới cho quả, nhưng tôi đã tìm cách ghép mắt cam vào gốc bưởi để tăng khả năng sinh trưởng của cây, vì vậy chỉ sau 10 tháng là có quả thu hoạch".

Hàng năm, ông Giáp thường đào cam lên rồi hạ xuống 3 lần vì "làm như thế cây sẽ có bộ rễ tốt. Đây là điều quan trọng giúp cây thích nghi với mọi môi trường sống, dù đặt trong chậu hay trồng ngoài vườn, cây vẫn ra hoa và kết trái sai, đúng thời điểm. Ngoài ra, khi dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, người trồng có thể khiến cây ra hoa theo ý muốn, đồng thời còn giúp quả non không bị rụng".

Bằng sự tỉ mỉ, yêu nghề và cẩn trọng, ông Giáp đã thành công với việc lai ghép cây có nhiều loại quả. "Muốn thành công, người trồng cây phải kiên nhẫn, có đôi mắt nhìn, tùy thổ nhưỡng, thời tiết để tính toán đúng thời điểm cây ra hoa, kết trái, đưa quả vào ghép. Vườn cam nhà tôi lúc nào cũng mơn mởn rực rỡ, thu hút sự chú ý của người qua lại, tuy vậy tôi không bao giờ giấu nghề, ai có nhu cầu học, tôi sẵn sàng chỉ dẫn, với mong muốn cùng mọi người phát triển kinh tế gia đình hiệu quả", ông nói.

Vào nghề từ năm 2001, đến nay, mô hình ghép nhiều loại quả trên một cây của ông Giáp đã được nhân rộng ra các vùng lân cận như Tam Hưng (Thanh Oai), khu Trần Phú (Chương Mỹ), khu Cao Phong, Chi Lê (Hòa Bình)... Sắp tới, ông sẽ làm mô hình điểm ở khu nông trường mới Thanh Hà.

Từ năm 2007 - 2009, ông Giáp liên tục được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi; được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen "Nhà vườn sáng tạo" năm 2010.


Hồng Thơm(kinhtenongthon.com.vn)