Đổi đời nhờ xây dựng nông thôn mới Bài 1: Bắt đầu từ cách nghĩ

Với những tỉnh miền núi xa xôi hẻo lánh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức trên dưới 60% như tỉnh Hà Giang, việc xây dựng bản làng kiểu mẫu, làm nông thôn mới, thực sự là một chương trình đầy chông gai, thách thức.
 
LTS: Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang được coi là một trong những điển hình về xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Đảng bộ đề ra quyết sách, cách làm sáng tạo nên được người dân tin tưởng, nhiệt tình tham gia. Nhóm PV Báo SGGP vừa có chuyến đi thực tế để khảo sát mô hình làm nông thôn mới ở đây và ghi nhận được những đổi thay hiệu quả rõ rệt của mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc…
Nếu ở một tỉnh đồng bằng quanh Hà Nội hoặc TPHCM, có nhiều điều kiện tự nhiên “thiên thời địa lợi” cũng như cơ sở hạ tầng sẵn có mạnh mẽ thì làm nông thôn mới không quá khó. Nhưng với những tỉnh miền núi xa xôi hẻo lánh, gian khó đủ bề, thậm chí tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức trên dưới 60% như tỉnh Hà Giang - nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, việc xây dựng bản làng kiểu mẫu, làm nông thôn mới, thực sự là một chương trình đầy chông gai, thách thức. 
Những đổi thay bỡ ngỡ
Nhưng câu chuyện làm nông thôn mới ở Hà Giang những năm gần đây, từ việc nhà nhà thi đua xây dựng bản làng - thôn xóm kiểu mẫu đến cán bộ tỉnh - huyện - xã đều “3 cùng” với dân để xây dựng nông thôn mới… đã khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên và thay đổi hẳn cách nghĩ, rằng không phải cứ giàu có, cứ được rót nhiều tiền đầu tư mới có thể triển khai tốt chương trình xây dựng nông thôn giàu đẹp theo tinh thần Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra. Việc xây dựng nông thôn mới, chính là động lực để làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi hôm nay. Ở Hà Giang, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rầm rộ, sôi nổi khắp nơi như một mùa hội thi đua đặc biệt… 
Bài 1: Bắt đầu từ cách nghĩ ảnh 1Cánh đồng trồng dược liệu 200ha ở huyện Quản Bạ (Hà Giang)  là một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới
Khoảng 10 năm trước, nói đến Hà Giang, mọi người nghĩ tới hình ảnh những con đèo dốc quanh co hiểm trở, cả một vùng đá tai mèo lởm chởm ở cao nguyên Đồng Văn - Quản Bạ - Yên Minh - Mèo Vạc… nơi đất và nước quý như vàng; nơi đồng bào Mông, Dao, Lô Lô… phải tra hạt bắp vào từng hốc đá để có cái ăn qua ngày. Thậm chí, bây giờ nhiều người còn nghĩ, đường lên cột cờ Lũng Cú (nơi đánh dấu chủ quyền biên cương lãnh thổ quốc gia) vẫn phải “đẩy xe kê lốp” từng chặng một khi ngược lên cao nguyên đá. Nhưng hôm nay, có đặt chân tới mảnh đất Hà Giang mới thấy, không chỉ non nước hữu tình mà đường sá cũng thênh thang rộng mở hơn trước rất nhiều.
TP Hà Giang nằm cách Hà Nội 320km, nhưng xe máy, xe khách rồi xe du lịch chạy như mắc cửi. Đường quốc lộ 4C trải nhựa một mạch từ TP Hà Giang lên tận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn dài 170km. Từ Đồng Văn sang Mèo Vạc qua “đệ nhất đèo” Mã Pì Lèng, xe vẫn cứ bon bon xuôi ngược.
Vài năm gần đây, Hà Giang còn trở thành điểm du lịch, mỗi năm đón tới 30-40 vạn người từ Hà Nội lên, rồi từ TPHCM ra viếng nghĩa trang Vị Xuyên, đi thăm cột cờ Lũng Cú. Khách quốc tế cũng tìm đến khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa. Tại Đồng Văn, Quản Bạ và tại TP Hà Giang bắt đầu xuất hiện những homestay - du lịch cộng đồng do chính các hộ dân thực hiện. Doanh thu từ du lịch của Hà Giang mỗi năm đạt trên 500 tỷ đồng và đang có xu hướng tăng dần. Thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể nhờ bây giờ “biết làm du lịch”. 
Dường như phát triển công nghiệp ở mảnh đất địa đầu còn khá khó khăn, mặc dù hiện nay tỉnh Hà Giang đã quy hoạch một khu công nghiệp ở khu trọng điểm phía Nam của tỉnh nhưng vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui là tại cửa khẩu Thanh Thủy, nằm cách TP Hà Giang khoảng 27km, vài năm trước còn hắt hiu vắng vẻ, mỗi ngày chỉ có dăm ba xe container qua lại, thì bây giờ đã có tới trên dưới 100 xe container mỗi ngày, chở lên nhiều loại hàng hóa nông sản, từ dưa hấu, thanh long ở Phú Yên - Bình Thuận đến gỗ ván ép từ Phú Thọ - Tuyên Quang - Yên Bái để xuất khẩu qua Trung Quốc. Không khí làm ăn sôi động hẳn lên. Cảm giác như có một động lực mới tiếp sức cho vùng đất biên cương này, dù rằng tất cả mới chỉ bắt đầu. 
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang Nguyễn Đức Vinh, công nghiệp của Hà Giang chưa phát triển nhưng đang có một làn sóng đầu tư mạnh vào nông nghiệp và du lịch. Đất trồng lúa ít, địa hình khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Giang xác định, để xây dựng nông thôn mới, bây giờ phải nhắm vào những loại nông sản chủ lực để giúp bà con làm giàu. Chính hướng đi sáng tạo này đang làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn miền núi ở tỉnh Hà Giang hôm nay. 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vinh cho rằng: Làm nông thôn mới, để đạt danh hiệu cần có 19 tiêu chí, nhưng động lực của tất cả tiêu chí đó lại chính là tiêu chí phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn miền núi. Câu nói quen thuộc “có thực mới vực được đạo” lúc nào cũng đúng. Và để trả lời cho câu hỏi này chính là đặt ra câu hỏi: Bây giờ nên trồng cây gì, nuôi con gì? Không để chủ trương trở thành một câu hỏi suông bỏ ngỏ, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã xác định, lợi thế mới của Hà Giang hôm nay chính là: cây chè, cây cam, con bò thịt, cánh đồng dược liệu, nuôi ong mật và trồng rừng làm kinh tế kết hợp với làm du lịch cộng đồng (sinh thái). Theo đó, một mặt phải dọn đường, trải thảm đỏ mời doanh nghiệp vào làm nông nghiệp, thậm chí tỉnh còn khảo sát, vẽ sẵn dự án cho doanh nghiệp. Mặt khác, phải thuyết phục bà con tham gia vào hợp tác xã, từ bỏ thói quen làm ăn manh mún và lười sáng tạo. Bởi có vào hợp tác xã mới có cơ hội cùng nhau bàn bạc hướng đi, giúp nhau chia sẻ kỹ thuật, cầm tay chỉ việc, cử người đứng đầu đi tìm thị trường cho sản phẩm… 
Tuy nhiên theo ông Vinh, khó khăn nhất khi tìm cách đưa kinh tế nông thôn miền núi Hà Giang bứt lên hiện nay là làm sao để thay đổi cách suy nghĩ cũng như tập quán của bà con đồng bào dân tộc. Đây cũng là trăn trở của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang khi đi tìm những giải pháp thoát nghèo, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nghèo nơi biên giới.
Nói về chuyện đổi mới làm kinh tế cũng như triển khai làm nông thôn mới, ông Vinh bảo: “Lãnh đạo tỉnh rất sốt sắng, mong ngóng” nhưng ở cơ sở lâu nay vẫn có tình trạng cán bộ, người dân quen với tư duy bao cấp, xin - cho. Tức là Nhà nước, ngân sách tỉnh phải “rót xuống” thì mới làm. Không có thì sẽ không làm".
“Tôi dự nhiều cuộc họp về triển khai nông thôn mới ở địa phương, nhưng họp xong cán bộ hỏi, thế sắp tới có cho dự án gì không, không cho thì không làm được”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang chia sẻ. Lại một câu hỏi: Bây giờ làm cách nào để thay đổi cách suy nghĩ của người dân, bà con đồng bào dân tộc thiểu số về làm kinh tế? Để chính người dân là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, không phải trông đợi hoàn toàn vào túi tiền ngân sách nữa. 
Thật khó để thay đổi tất cả trong một lúc, tuy nhiên Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang xác định, hạt giống của phong trào này chính là vai trò của các đảng viên trong làm kinh tế. Nghị quyết từ tỉnh đưa xuống huyện rồi xuống xã. Chính quyền tổ chức họp bà con lại, phổ biến chính sách, tạo mọi điều kiện cho vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất trong 3 năm để nông dân làm giàu, các đảng viên gương mẫu ở thôn bản cần đi tiên phong. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Và ở Hà Giang, chúng tôi đã gặp những người đảng viên như thế. HĐND tỉnh Hà Giang cũng ra hẳn Nghị quyết 209 về hỗ trợ hoàn toàn lãi suất trong 3 năm đầu cho các gương mặt muốn đầu tư làm kinh tế, mức vay đủ để xây dựng trang trại, mở cơ sở làm ăn với quy mô lớn.
Theo báo sggp.org.vn