Đồng Tháp Mười hướng đến nuôi thủy sản bền vững

Đồng Tháp Mười hướng đến nuôi thủy sản bền vững
Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại tiểu khu vùng Đồng Tháp Mười khoảng 15.000 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn/năm, chiếm 20% sản lượng thủy sản cả nước.

Nuôi trồng thủy sản nước ngọt nơi đây trở thành một ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu kinh tế vùng. Tuy nhiên ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Cá tra, mặt hàng chủ lực vùng Đồng Tháp Mười.

Để tìm giải pháp tháo gỡ, ngày 31/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Tổng cục Thủy sản và Sở NN-PTNT tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững vùng Đồng Tháp Mười".

Qua 6 tham luận và 20 câu hỏi tại hội nghị, những vấn đề nổi cộm của hiện trạng nuôi thủy sản nước ngọt được đại biểu là các nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong vùng Đồng Tháp Mười đưa ra mổ xẻ như: Làm sao giảm chi phí vật tư, thuốc thú y thủy sản để nuôi cá tra giống? Làm sao quản lý dịch hại thủy sản? Cơ chế nào đảm bảo cho người nuôi và phát triển thị trường bền vững? Làm sao để chuỗi liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao?

Nhiều ý kiến cũng được đưa ra như: Nuôi thủy sản chịu các bất lợi của biến đổi khí hậu (nhiệt độ nắng nóng cao, hạn mặn xâm nhập và dịch bệnh xuất hiện); quản lý chất lượng con giống còn bất cập; quản lý vùng nuôi chưa ngăn chặn và cảnh báo kịp thời bất lợi môi trường; và chịu rủi ro thị trường quốc tế…

Ban chủ tọa diễn đàn.

Mặc dù đề cập đầy đủ về kỹ thuật và thị trường các loại thủy sản nước ngọt như tôm, cá rô, cá trê, ếch… nhưng hội nghị dành nhiều thời gian xoáy sâu vào con cá tra, bởi lợi thế sản xuất cá tra đang đạt giá trị cao về chất lượng, sản lượng cũng như tiềm lực xuất khẩu.

Về mặt quản lý của ngành và địa phương, hội nghị cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển thủy sản nước ngọt bền vững cho vùng Đồng Tháp Mười, đó là cần quy hoạch vùng nuôi và giải pháp quản lý quy hoạch; đầu tư và tạo điều kiện cho sự phát triển vùng sản xuất tập trung như nguồn nước cấp, giao thông, lưới điện; quản lý đầu vào sản xuât như nguồn giống, thức ăn…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đặc biệt cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông hộ mở rộng quy mô sản xuất theo hướng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản như tích tụ đất, chuyển đổi đất lúa, thuế, xây dựng thương hiệu, xây dựng kho bảo quản, xưởng kho nhà máy bảo quản sản phẩm.

Tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, TGĐ Cty CP Vĩnh Hoàn chia sẻ về thông tin thị trường cá tra và đề xuất xây dựng mối liên kết SX đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hội nghị cũng khuyến cáo cần phổ cập nhanh những tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản nước ngọt, thống nhất quy trình nuôi chung của vùng, đồng thời linh hoạt tùy theo điều kiện đặc thù từng địa phương…

Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, cả vùng Đồng Tháp Mười có lợi thế phát triển thủy sản nhưng thiếu bền vững vì chưa có định hướng chiến lược. Chúng ta cần có một đề án nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp du lịch trong mối liên kết vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Khởi chia sẻ, theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 15/4/2019 đạt 540,5 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018. Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế vùng Đồng Tháp Mười.

"Đẩy mạnh phát triển thủy sản không những góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có về tự nhiên, kinh tế- xã hội trên địa bàn mà còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn...", ông Trần Văn Khởi nói.
https://nongnghiep.vn/dong-thap-muoi-huong-den-nuoi-thuy-san-ben-vung-post242639.html

Theo Phương Chi/nongnghiep.vn