Thời gian qua, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên được xây dựng và phát triển thành công, qua đó khơi dậy ở nhiều bạn trẻ ý chí lập nghiệp, đồng thời giúp đỡ nhiều thanh niên khác có việc làm ổn định... Trong từng giai đoạn lịch sử, những mô hình này đã có đóng góp nhất định, đáp ứng nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Hiện nay, việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế có những điểm thuận lợi, xuất phát từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp... Tuy nhiên, theo đánh giá của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, còn nhiều khó khăn đặt ra cho tổ chức Đoàn trong việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế, như: khả năng lựa chọn, định hướng tạo dựng mô hình; trình độ, năng lực của cán bộ đoàn trong việc tiếp cận và triển khai các mục tiêu của mô hình phát triển kinh tế; phong tục, tập quán của địa phương; khả năng, trình độ của thanh niên; vấn đề nguồn lực đầu tư, vốn, kỹ thuật sản xuất, khoa học - công nghệ...
Thực tế tại các địa phương, không thiếu thanh niên sẵn sàng vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp thông qua xây dựng các mô hình phát triển kinh tế với các quy mô khác nhau. Tuy nhiên, nhiều mô hình kinh tế của thanh niên còn thiếu tính bền vững mà một trong những nguyên nhân chính là việc phát triển mô hình không gắn với tình hình cụ thể tại địa phương, thiếu đầu ra và thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Khi nền kinh tế đất nước gặp nhiều trở ngại thì nguồn lực dành để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế cũng không thể dồi dào, vì thế sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn cũng kém hiệu quả. Đó là những nguyên nhân dẫn đến có những tỉnh có cùng lúc ba mô hình kinh tế thanh niên đang làm thủ tục giải thể. Hoặc có mô hình kinh tế thanh niên trồng rau thủy canh, dù là rau sạch nhưng không bán được do giá bán cao, không phù hợp mức sống của người dân trong vùng...
Có người nêu ý kiến: Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp, nhưng định hướng cho địa phương chưa rõ ràng, việc tuyên truyền cho thanh niên còn mờ nhạt... Vì thế, tổ chức Đoàn cần đổi mới phương thức hành động, nói và làm phải đi đôi với nhau và làm có hiệu quả thật sự, qua đó khẳng định vai trò của mình. Khởi nghiệp không thể chỉ làm phong trào, mà phải chú trọng tính bền vững. Đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu sự phù hợp của các hoạt động đó trong từng thời kỳ phát triển của đất nước, của xã hội và của bản thân thanh niên. Ngay cả nội dung, phương thức hoạt động của các mô hình kinh tế thanh niên cũng có giá trị và thích ứng với từng giai đoạn phát triển nhất định. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổ chức Đoàn cần tổng kết, đánh giá các mô hình để có sự đổi mới, chuyển đổi phù hợp với giai đoạn mới. Từ việc nhìn lại, đánh giá, các cấp bộ đoàn có thể “nhận dạng” các mô hình có hiệu quả và tính khả thi cao, khả năng nhân rộng lớn để tập trung đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, cần quan tâm các mô hình phát triển kinh tế gắn với các chương trình mang tính quốc gia, như: xây dựng nông thôn mới, khởi nghiệp... để từ đó tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước.
Đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp vẫn luôn là “chìa khóa” quan trọng, hữu hiệu để tổ chức Đoàn, hội đến với thanh niên, thu hút họ tham gia các hoạt động, phong trào. Vì thế, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, mở nhiều hướng khác nhau để đồng hành với thanh niên là nhiệm vụ lớn của tổ chức Đoàn hiện nay và tương lai...