Đột phá tìm cán bộ lãnh đạo, quản lý (Kỳ 1)
- Thứ hai - 27/10/2014 03:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1: Mở "sàn" cạnh tranh trí tuệ
Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, một số tỉnh, thành phố đã dày công xây dựng, ban hành những chính sách ưu đãi, trải thảm đỏ, mời gọi trí thức về làm việc. Nhưng bài toán thực tiễn là bằng cách nào để bổ sung đội ngũ này vào lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
Bỏ tư duy "sống lâu" lên "lão làng"!
Nếu như việc săn tìm người tài đã trở thành quen thuộc với nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước, địa phương thì có thể coi Quảng Ninh, Quảng Nam và Đà Nẵng là những nơi tích lũy khá nhiều "vốn liếng".
Thi để làm lãnh đạo chủ chốt, cao nhất là giám đốc sở và thấp nhất là phó hiệu trưởng, trưởng các khoa tại các trường học đã không còn là chuyện lạ.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông với nhiều nội quy chặt chẽ. Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn (sinh năm 1973) vừa được bổ nhiệm ngày 26-9-2014 rất tự tin giới thiệu về những việc anh sẽ làm trong những ngày tới tại Sở mới. Trước đó, ngày 19-9, anh đã vượt qua hai ứng viên khác với số điểm 87,7/100 để trở thành giám đốc khi bị theo sát với số điểm lần lượt là 84,3 điểm và 78 điểm.
Nói về việc thi tuyển, anh hào hứng bảo, đây là quá trình giúp ứng viên thể hiện được năng lực, trước hết là qua việc trình bày, bảo vệ đề án công tác. Không chỉ trình bày mạch lạc, khoa học đề án, các ứng viên còn phải trả lời tốt các câu hỏi của hội đồng tuyển chọn. Hôm thi tuyển, tôi đã trả lời 25 câu hỏi của 13 thành viên Hội đồng - Vũ Tuấn cho biết. Được biết, anh Tuấn là một trong những ứng viên phải trả lời nhiều câu hỏi nhất của Hội đồng thi. Đằng sau vị tân giám đốc là quá khứ lăn lộn làm phát thanh viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ninh; Giám đốc Trung tâm thông tin tỉnh, phụ trách cổng thông tin điện tử của tỉnh; Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực thông tin, truyền thông... đến quy hoạch Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (giữa), người vừa trúng tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, trao đổi công việc với các đồng nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông là chức danh cao nhất được bổ nhiệm thông qua thi tuyển tại Quảng Ninh từ năm 2008 đến nay. Hội đồng thi tuyển hy vọng, với kinh nghiệm và sức trẻ, Vũ Tuấn sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh.
Tại Quảng Nam, năm 1995 là năm đột phá, khi Sở Tài chính tỉnh "nổ phát súng hiệu" bắt đầu từ cấp phòng. Nhớ lại 20 năm trước, Giám đốc Sở Tài chính thời điểm đó, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nói: Thực tế là chế độ bổ nhiệm, đề bạt theo quy hoạch còn hạn chế. Nguồn nhân lực phần lớn khép kín trong cơ quan, đơn vị. Chưa mở rộng, chưa có cơ chế để thu hút người có năng lực từ ngoài. Việc bổ nhiệm theo trình tự, chưa có đột phá với cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản và có năng lực công tác. Một số cán bộ có tư tưởng "sắp hàng", "sống lâu lên lão làng", cho rằng, cứ quy hoạch là đương nhiên đề bạt, bổ nhiệm, không chịu khó học tập nâng cao trình độ; tình trạng trì trệ, sức ỳ trong công tác lãnh đạo của một số cán bộ còn không ít.
Thực tiễn buộc nhận thức phải điều chỉnh. Tập thể lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam xác định, để có người tài năng, phẩm chất, đạo đức tốt, đồng thời tạo hành lang và động lực cho họ cống hiến, công tác cán bộ kiểu truyền thống chưa thể đáp ứng. "Thời điểm đó, Sở đã coi thi tuyển là khâu đột phá", đồng chí Nguyễn Đức Hải khẳng định. Thời gian đầu, dù chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn, nhưng với cách làm mới, Sở Tài chính tỉnh đã tìm được những cán bộ có năng lực thật sự.
Từ thực tiễn gần 20 năm với cách làm hiệu quả của Sở Tài chính, ngày 19-7-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường đại học Quảng Nam; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế -Kỹ thuật Quảng Nam.
Điểm hay của chủ trương là đề cao năng lực thực tiễn chứ không thuần túy kiến thức sách vở. Nếu như ở Quảng Ninh, các ứng viên chỉ phải trình bày đề án công tác, thì các ứng viên tại Quảng Nam phải trải qua hai phần thi: Thi kiến thức chung về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực theo yêu cầu vị trí chức danh cần tuyển; Thi thuyết trình, bảo vệ đề án liên quan thực trạng cơ quan, đơn vị, đề ra phương hướng và dự báo khả năng phát triển của cơ quan, đơn vị.
Trong phần trình bày đề án, ứng viên cũng được đánh giá về khả năng giao tiếp, ứng xử; phong cách lãnh đạo, quản lý và các kỹ năng về tin học, thuyết trình, khả năng ứng xử linh hoạt khi trả lời những câu hỏi của Hội đồng thi tuyển.
Cách làm rất thực tế này giúp người dự thi thể hiện được năng lực trải nghiệm thực tiễn, bộc lộ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Gặp những người đã trúng tuyển như tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (SN 1981), Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Lê Trung Chinh (SN 1969)... chúng tôi nhận thấy ở họ bầu nhiệt huyết cống hiến. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, trước khi về công tác tại Viện, anh đã có bốn năm giảng dạy đại học tại Cộng hòa Pháp. Nghe tiếng gọi của quê hương, anh trở về làm việc và với xu hướng đổi mới trong tuyển chọn cán bộ hiện nay, những người trẻ như anh có môi trường cống hiến, trưởng thành. Tiến sĩ Huỳnh Trọng Dương (SN 1969), tân Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Nam, tâm sự: "Sau khi được bổ nhiệm, trong các cuộc họp, hội nghị, khi được giới thiệu là "hiệu trưởng thi tuyển", tôi cũng thấy vinh dự".
Bổ nhiệm lãnh đạo qua thi tuyển đang là một giá trị mới, bên cạnh những giá trị đã ổn định của công tác cán bộ. Thời gian sẽ trả lời và đặt ra những vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Thiết nghĩ, đó cũng là cơ sở của Kết luận 37 của Hội nghị T.Ư 9, khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, khi xác định: Mở rộng thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ngành T.Ư xem xét đưa vào quy hoạch và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng theo quy hoạch.
Cơ hội vượt "rào cản"
Tại TP Đà Nẵng, công tác thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được triển khai từ năm 2006. Đến nay đã có 40 cơ quan, đơn vị, 18 lượt sở, ban, ngành và 22 lượt UBND quận, huyện tổ chức thi tuyển. 362 ứng viên dự thi, có 111 ứng viên trúng tuyển, trung bình, một vị trí có ba ứng viên, đáng chú ý, chức danh phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Thanh Khê có tới 15 ứng viên.
Năm 2014, 12 sở, ban, ngành, UBND quận, huyện của thành phố đăng ký tổ chức thi tuyển 29 vị trí chức danh để bổ nhiệm, trong đó hơn một nửa là cấp trưởng với 15/29 vị trí. Lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính có 8/29 chức danh. Trong quá trình tổ chức, nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý công tác cán bộ, nhất là đưa ra những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể đối với ứng viên dự thi, thành viên hội đồng thi tuyển, luôn được TP Đà Nẵng quán triệt.
Ngoài chuyên môn đào tạo phù hợp chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển, đối tượng dự thi phải có nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức tốt.
Tỉnh Quảng Nam quy định cụ thể, với chức danh giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, trong thời gian ba năm liên tục kể từ năm tổ chức thi tuyển phải có kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ đạt từ mức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao phó.
Được hỏi, liệu thi tuyển có "đi ngược" công tác quy hoạch trước nay vẫn làm, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam Nguyễn Hữu Sáng nói ngay: Mỗi cơ chế đều có những ưu điểm riêng và vẫn cần áp dụng song song. Quy hoạch bảo đảm cho công tác cán bộ chủ động, có tầm nhìn xa, sự chuyển tiếp giữa các thế hệ, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, với đặc tính "khép kín" cục bộ, bản quy hoạch chỉ có giá trị ở "cấp đơn vị", nếu làm không khéo sẽ mất đi chức năng cơ bản là phát hiện, thu hút và trọng dụng người tài, không tạo được cạnh tranh lành mạnh ngay trong quy hoạch. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, thi tuyển vừa bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc về công tác cán bộ của Đảng, vừa đủ "mở" và "động" để thu hút được người ở từng vị trí, chức danh cụ thể.
Khi đề cập mong muốn gặp cả những người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo Sở vừa qua, có đồng chí lãnh đạo tỉnh tỏ ý dè dặt và cho rằng, không nên gặp người trượt vì tâm lý của họ có thể không vui, không nên "xoáy" thêm vào chuyện buồn của ứng viên nữa.
Đó là một quan niệm, một lo lắng chân thành. Tuy nhiên, thế hệ trẻ, những người trong cuộc lại cho thấy cách nghĩ khác.
Tiến sĩ Võ Triều Khải (SN 1975), Trưởng khoa Khoa học đại cương (Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam), mới trải qua hai kỳ thi chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Đều không trúng tuyển, song tiến sĩ Khải là người rất ủng hộ quan điểm đổi mới trong công tác tuyển dụng cán bộ. "Cơ chế thi tuyển khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm "khép kín". Nó tạo cạnh tranh lành mạnh trong cán bộ, công chức, viên chức. Cơ chế này cũng góp phần phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với những người tài năng và là một điểm sáng trong cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cơ chế thi tuyển còn liên hệ chặt chẽ với các quy định về đánh giá cán bộ, luân chuyển cán bộ, luân chuyển vị trí công tác đối với một số vị trí lãnh đạo, quản lý...", anh Khải chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có những ứng viên khi trượt đã rất buồn. Một ứng viên thổ lộ: "Sẽ không bao giờ tham gia thêm một kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo nào nữa", đồng thời dứt khoát từ chối trả lời, trò chuyện với chúng tôi về công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo ở đơn vị mình.
Có những người gặp mặt với tâm lý không thoải mái, rất e ngại khi được hỏi suy nghĩ về quá trình thi tuyển.
Tâm trạng này xuất phát từ tâm lý e dè, nhất là về thái độ, thành kiến của một số người đối với ứng viên nếu không trúng tuyển. Như vậy, trong thực tế, không phải ứng viên nào cũng xác định tham gia thi tuyển là cơ hội để thể hiện và khẳng định khả năng của mình. Với họ, thi tuyển liên quan danh dự, cuộc sống và vị trí xã hội...
Rõ ràng, để dám khẳng định mình và được chấp nhận là một câu chuyện dài.
(Còn nữa)
Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
(Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Đảng (khóa XI))
Từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã có quy chế, quy trình thi tuyển cán bộ lãnh đạo, nhưng mới triển khai thí điểm. Năm 2008, bắt đầu triển khai rộng hơn. Cán bộ muốn được bổ nhiệm phải trình bày đề án công tác. Đến nay, đã có 13 chức danh phó giám đốc sở và tương đương được bổ nhiệm thông qua thi tuyển với số ứng viên là 46 người, có những phó giám đốc sở mới 33 và 35 tuổi. Trung bình, cứ một chức danh có ba ứng viên, vị trí nhiều ứng viên nhất là sáu người, chính là vị trí Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Với "thâm niên" tổ chức thi tuyển, Quảng Ninh đã là một điểm sáng để nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm.
theo nhandan