Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) Tổ chức Chính phủ năng động và tinh gọn

Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) bổ sung một số nguyên tắc để phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Dự án Luật cũng quy định tính nguyên tắc số lượng, tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. (Ảnh: TTXVN)

Đây là một trong những nội dung của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được báo cáo tại Quốc hội trong ngày 3-11.

Bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ

Theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một trong những mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (dự án Luật) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Kết cấu của Dự thảo Luật trình tại Quốc hội lần này gồm tám chương, 50 điều.

Dự thảo Luật quy định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp cũng như thành viên Chính phủ, gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về tổ chức, dự thảo Luật không quy định cụ thể số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo từng nhiệm kỳ.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở các quy định của Hiến pháp; đồng thời bổ sung một số nguyên tắc để phù hợp với chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Dự thảo Luật cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các lĩnh vực quản lý nhà nước, trên cơ sở kế thừa và bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001. Cụ thể là: Tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; kinh tế; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách xã hội; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; quốc phòng; an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đối ngoại và hội nhập quốc tế; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ, công chức; thanh tra, kiểm tra, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chính quyền địa phương; về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chủ động lãnh đạo Chính phủ khởi xướng, hoạch định kịp thời cơ chế, chính sách, đề xuất xây dựng thể chế pháp luật, quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo thẩm quyền, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng nêu một số nội dung cần xin ý kiến Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức, Chính phủ đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ mà chỉ quy định có tính nguyên tắc. Vì tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình, để bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Xây dựng một Chính phủ năng động, tinh gọn về tổ chức

Dự án Luật cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đó là ý kiến từ Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Báo cáo nêu rõ, trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Chính phủ, với tư cách cơ quan thực hiện quyền hành pháp cần phải làm tốt chức năng xây dựng chính sách, khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực và sức sáng tạo của nhân dân; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cơ quan soạn thảo cần tham khảo, đối chiếu nội dung của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ với các dự án luật về tổ chức bộ máy sẽ được trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII như dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất của các quy định có liên quan về tổ chức trong hệ thống pháp luật.

Bước đầu, dự thảo Luật đã đề cập tới sự phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quy định về việc phân cấp như trong dự thảo Luật chưa thực sự rõ nét. Nhiệm vụ quan trọng của Luật này là cần cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp, cần có những quy định mang tính nguyên tắc về sự phân cấp của Chính phủ với chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, sau này trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các đạo luật chuyên ngành sẽ quy định phân cấp cụ thể.

Nhiều ý kiến của Uỷ ban Pháp luật tán thành việc không quy định bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể về cơ chế tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện chức năng này trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật trong hai ngày 7 và 21-11 tới.

NGÂN ANH
theo nhandan