Dự thảo Luật Đất đai chưa giải quyết “trúng” những khó khăn thực tế

Dự thảo Luật Đất đai chưa giải quyết “trúng” những khó khăn thực tế
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, vấn đề nóng nhất hiện nay là cơ chế thu hồi, chuyển dịch cơ cấu đất đai, từ nông nghiệp sang công nghiệp, phát triển giao thông, hạ tầng. Đây là nguồn cơn của tham nhũng và khiếu kiện về đất đai.
 
 
Ông Đặng Hùng Võ
 
Luật Đất đai hiện hành quy định ba cơ chế thu hồi đất, là Nhà nước thu hồi đất theo dự án, theo quy hoạch và nhà đầu tư tự thỏa thuận. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không áp dụng cơ chế thu hồi đất theo dự án, mà chủ yếu cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch rồi đưa ra đấu giá, còn cơ chế tự thỏa thuận không có cải tiến. Nếu đi theo hướng dự thảo, thì tình trạng tham nhũng trong đền bù, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện vẫn không được cải thiện. Cả ba cơ chế trên đều có những ưu điểm và chứng tỏ sức sống trên thực tế. Tuy nhiên, các cơ chế đó do không được quy định một cách rõ ràng, mạch lạc trong Luật Đất đai hiện hành, gây nên những ách tắc trong thực thi. Với cơ chế tự thỏa thuận, đây vẫn là cơ chế khả thi nhất, vừa đạt được sự đồng thuận trong dân vừa hạn chế được nguy cơ tham nhũng, khiếu kiện. Vướng mắc ở cơ chế thỏa thuận là việc chủ đầu tư chỉ thỏa thuận được với 70-80% cộng đồng dân cư, còn số còn lại không đồng ý dẫn đến việc thu hồi bị ách tắc. 

Một trong những sửa đổi quan trọng của Luật Đất đai lần này là quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hạn thống nhất 50 năm, đồng thời quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân. 

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, việc quy định thời hạn và hạn điền cho đất nông nghiệp làm hạn chế khả năng phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp, không tạo được động lực mới để tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. 

Thành công đầu tiên của sự nghiệp đổi mới là chính sách giao ruộng đất hợp tác xã cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài (1988-1993). Hiệu quả là năng suất và sản lượng lương thực tăng nhanh chóng, đưa người nông dân thoát đói nghèo và đưa nước ta lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo. 

Nhưng từ khi là nước xuất khẩu gạo hàng đầu tới nay, năng suất và sản lượng nông nghiệp không tăng nhiều, chất lượng nông sản ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân dễ thấy là người nông dân chưa thực sự an tâm đầu tư sâu vào sản xuất nông nghiệp vì thời hạn sử dụng đất quá ngắn. Mặt khác, chính sách hạn điền cũng làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn, giá thành hạ của thế giới.
 
Theo congluan.vn