Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định chặt về thu hồi đất, bồi thường và tái định cư
- Thứ bảy - 02/03/2013 07:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phóng viên (PV): Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thu hồi đất hiện nay vẫn còn nhiều bất cập? Vậy dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những điểm nhấn nào để khắc phục tình trạng này?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Về vấn đề thu hồi đất, Luật Đất đai 2003 quy định 2 cơ chế thu hồi đất, đó là theo chỉ định của chủ đầu tư và theo quy hoạch. Thời gian qua, chúng ta chủ yếu thực hiện theo chỉ định của chủ đầu tư. Nhưng sắp tới việc thu hồi đất phải hết sức chặt chẽ. Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đối với các dự án kinh tế, kế hoạch sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân và có sự giám sát.
Bởi vậy, sẽ không có chuyện nhà đầu tư cứ lập dự án là địa phương thu hồi đất để giao mà phải kèm theo các điều kiện như: Năng lực tài chính, kiểm toán, có ký quỹ, có xem xét việc thực hiện các dự án trước đó như thế nào?
Riêng đối với đất lúa, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi chấp nhận đầu tư. Một trong những điều kiện cần thực hiện nghiêm, đó là khi nhà đầu tư muốn dùng đất lúa thì phải có phương án bóc lớp đất mặt, nộp bù khoản tiền để Nhà nước khai hoang hóa khu vực khác. Điều đó buộc nhà đầu tư phải cân nhắc xem nên sử dụng đất lúa hay đất đồi. Nếu chi phí cho đất lúa quá lớn thì chuyển vị trí khác.
PV: Về những bất cập của các dự án treo hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có cơ chế nào để xử lý, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Theo Dự thảo, đối với dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa giao đất, sau 3 năm nếu không thực hiện được thì đương nhiên bị hủy bỏ. Còn nếu dự án đã giao thuê đất thì chỉ cần sau 12 tháng mà chưa triển khai là bị thu hồi. Đối với dự án đã có một số bước triển khai thì cho phép 24 tháng, thời gian gia hạn 1 lần và tối đa là 12 tháng. Nếu chủ đầu tư cố tình không làm, chây ỳ, cố ý giữ lại dự án thì sẽ thu hồi. Nhà nước không phải bồi hoàn về tài chính khi thu hồi. Nếu chủ dự án thấy không làm được nữa thì trả lại đất cho Nhà nước trước khi được gia hạn, khi đó, Nhà nước xem xét việc bồi hoàn tài chính. Về việc xử lý, Bộ đã làm việc với các địa phương, nếu các dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư thì giám sát lại, không thể làm lại thì huỷ bỏ, trả lại cho dân. Còn dự án đã triển khai rồi mà quá thời hạn, không có lý do thì phải thu hồi, như ở TP. Hồ Chí Minh, đã đưa ra tiêu chí để thu hồi, Hà Nội cũng đang đề nghị Bộ để làm việc này.
PV: Việc định giá đất hiện nay vẫn còn bất cập và đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy Bộ sẽ khắc phục vấn đề này ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Vấn đề định giá cần phải có sự quản lý của Nhà nước, không thể giá lên thì chạy theo. Nhà nước sẽ áp dụng giá đất theo 4 nguyên tắc phổ biến trong Luật cũng là 4 nguyên tắc quy định mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Tức là, giá đất nhìn từ hai vấn đề, không chỉ là chuyện bồi thường mà còn cả nghĩa vụ tài chính về đất. Nếu đưa giá đất lên cao thì có lợi cho người nhận bồi thường, nhưng lại không có lợi cho người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Theo Luật Đất đai 2003, bảng giá áp dụng cho tất cả các loại từ thuế, phí, xử lý vi phạm hành chính đến giao, thuê đất… Thực hiện được vài năm, chúng ta thấy không ổn vì thuế thấp thì tốt, nhưng khi tính tiền bồi thường khi thu hồi đất thì quá thấp thì dân không đồng tình. Vì vậy, cần phải tách ra làm 2 phương án định giá: Phương án thứ nhất là sử dụng bảng giá nhưng phải cập nhật thường xuyên khi có biến động, sử dụng cho tất cả mục đích. Mặt tích cực của phương án này là cơ quan nhà nước thực hiện dễ. Cái khó là có cập nhật được thường xuyên không, vì khi điều chỉnh bảng giá thì phức tạp. Còn phương án 2 là phương án mà nhiều nước hiện đang làm. Đó là đối với thuế, phí lệ phí thì xây dựng ổn định 5 cho năm.
PV: Như vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới mang lại lợi ích cho người dân. Vậy việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa thế nào và nội dung nào sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân nhất, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Luật Đất đai năm 2003 là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Luật Đất đai năm 2003 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luật Đất đai năm 2003 có vị trí hết sức quan trọng, tác động đến chính trị, xã hội của đất nước cũng như từng cá nhân và tổ chức. Sau 10 năm thực hiện, Luật đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường… Song Luật Đất đai năm 2003 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Vì vậy, việc chúng ta tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai là việc làm hết sức cần thiết. Việc lấy ý kiến của nhân dân lần này góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai; tạo nên sự đồng thuận của nhân dân và thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai…
Theo tôi, nội dung sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Để xử lý vấn đề này, Bộ đang tổ chức các hội thảo hai miền Bắc và Nam lấy ý kiến các cán bộ làm công tác này ở địa phương, trên cơ sở đó, đề xuất hướng sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp.
Theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua ba hình thức, đó là người dân góp ý trực tiếp, thông qua các hội nghị, hội thảo và thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý Đất đai, Trang thông tin điện tử của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố; Tuy vậy, đến nay, chủ yếu vẫn là hình thức tổ chức các hội nghị, hội thảo của các địa phương. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, hình thức góp ý trực tiếp cũng như gửi thư, ý kiến trên các trang thông tin điện tử sẽ được sử dụng rộng rãi./. |
Các từ khóa theo tin: |
Bích Liên cpv.org.vn |