Việc áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất đã giúp cây na dai của TX Đông Triều luôn giữ được thương hiệu.
Là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh với gần 2.600ha (chiếm khoảng 40% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh), Đông Triều nổi tiếng với cây na, cây vải thiều, diện tích trồng lên tới gần 2.000ha, sản lượng đạt trên 1.950 tấn/năm. Đặc biệt là cây na dai, trong những năm trở lại đây, được người tiêu dùng ưa chuộng nên diện tích tăng khá nhanh, năm 2010, toàn thị xã mới có khoảng 400ha thì hiện đã tăng lên gần 1.000ha. Diện tích trồng na lớn, nhưng kỹ thuật chậm được cải tiến, dẫn đến cây bị suy thoái, dịch hại phát sinh nhiều, VSATTP trở nên khó kiểm soát. Do vậy năng suất cũng như chất lượng sản phẩm suy giảm và có nguy cơ đánh mất thương hiệu. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở vùng trồng vải của thị xã và phường Phương Nam (TP Uông Bí). Sản lượng lớn, nhưng mùa vụ thu hoạch vải chỉ trong 20-30 ngày, đã tạo áp lực không nhỏ cho người trồng vải. Do chưa áp dụng các quy trình chuẩn trong trồng trọt, mỗi hộ dân lại có cách canh tác khác nhau, nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Vì vậy, vải thiều Đông Triều và vải chín sớm Phương Nam vẫn chủ yếu bán nội địa và thường bị ép giá khi được mùa.
Để nâng cao chất lượng của 2 sản phẩm chủ lực này và mang lại thu nhập cao cho người dân, năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã triển khai thực hiện dự án “Sản xuất vải thiều, na Đông Triều và vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP" trên diện tích 30ha. Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo các lớp quản lý dịch hại tổng hợp; tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo quy trình VietGAP; phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cho người dân; kinh phí khảo sát, lập sơ đồ giải thửa vùng triển khai VietGAP; lấy, phân tích mẫu đất, nước và mẫu sản phẩm xác định các chỉ tiêu đảm bảo ATTP; kinh phí thực hiện đánh giá, chứng nhận VietGAP; tổ chức tuyên truyền quảng bá sản phẩm..
Ông Phạm Văn Sự, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Uông Bí, cho biết: Trước khi triển khai dự án, phần lớn các vườn vải phường Phương Nam trong tình trạng chăm sóc ở mức tối thiểu. Một số hộ dùng thuốc trừ cỏ hoặc các loại hóa chất chưa rõ nguồn gốc để xử lý ra hoa cho vải, đa số vườn vải sinh trưởng kém, năng suất thấp, người dân chưa có thói quen thực hiện ghi chép sổ sách truy xuất nguồn gốc. Tham gia dự án các hộ dân sản xuất tuân thủ theo đúng quy trình VietGAP, vì vậy 2 năm nay, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học được sử dụng đã giảm trên 30% so với trước, từ đó đã làm giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất.
Không chỉ nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, đánh giá của TX Đông Triều và TP Uông Bí cho thấy, giá trị trên một đơn vị sản phẩm vải thiều năm 2019 sau khi được chứng nhận VietGAP tăng ít nhất trên 35% so với trước. Thị trường tiêu thụ và hình thức tiêu thụ đã được mở rộng và đa dạng, nhất là tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Việc cấp giấy chứng nhận VietGAP thành công cho 30ha cây ăn quả ở Đông Triều và Uông Bí chính là tiền đề để nhân rộng ra hàng nghìn ha vải, na ở 2 địa phương này và các vùng sản xuất tập trung khác trên toàn tỉnh. Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất theo hướng VietGAP, hiện nay Chi cục đã xây dựng xong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ thực hiện chuyển đổi và tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngành trồng trọt lên 182ha. Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi và tăng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ lên 460ha.
Theo Hoàng Nga/Quangninh.gov.vn