Đưa nông sản vào siêu thị: Hành trình gian khó

Đưa nông sản vào siêu thị: Hành trình gian khó
Đưa nông sản vào siêu thị luôn là ước mơ của nhiều nông dân, bởi vào được kênh tiêu thụ này có nghĩa giá trị sản phẩm được nâng lên một bậc. Nhưng hành trình này không đơn giản.

Khó chen chân

Trên địa bàn TP.Huế (Thừa Thiên – Huế) hiện có nhiều siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, Thuận Thành,… nhưng cho đến thời điểm này rất ít nông sản của địa phương chen chân được vào siêu thị.

Theo thống kê, mỗi tháng, Co.op Mart Huế thu mua khoảng 12 tấn rau các loại, 1,5 tấn thủy - hải sản, 16 tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác. Nhưng điều đáng buồn là trong số này, các loại nông sản của địa phương chỉ chiếm khoảng 30%. Tại siêu thị Big C Huế, dù đơn vị này đã tổ chức mạng lưới đi thu mua của trên 20 nhà sản xuất địa phương nhưng số hàng này cũng chỉ chiếm 30% sản lượng hàng nông sản có mặt tại đây. Nguyên nhân được đại diện các siêu thị đưa ra là, do các hộ vẫn sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, nguồn hàng bấp bênh nên khó đáp ứng được yêu cầu của DN.

Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều siêu thị khi mà lượng nông sản phải lấy từ nhiều nguồn khác nhau và rất ít nông dân có thể trực tiếp đưa hàng vào siêu thị. Theo đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op, mỗi ngày, hệ thống siêu thị này tiêu thụ tới 40 tấn rau, củ, quả các loại, chủ yếu được nhập từ Lâm Đồng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy nhưng đơn vị này cũng phải chật vật đi tìm nguồn hàng khắp nơi.

Trong khi đó, nông dân lại than khó “chen chân” vào siêu thị vì những quy định ngặt nghèo. Bởi muốn đưa được hàng vào siêu thị, bà con phải đáp ứng được các thủ tục cần thiết như có giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy kiểm nghiệm sản phẩm. Điều này có vẻ khó với nông dân khi phần lớn sản xuất theo quy mô hộ gia đình trong khi thủ tục rườm rà và phí cao. Tại Thừa Thiên – Huế, dù sản phẩm thanh trà Thủy Biều đã được đăng ký thương hiệu từ năm 2007 nhưng đến nay, nó vẫn đứng ngoài hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Lý do được đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều đưa ra là quá trình đưa hàng vào siêu thị quá nhiêu khê, mất nhiều công đoạn và thủ tục.

Đây cũng là lý do khiến HTX xoài Châu Nghệ (Trà Vinh) không muốn đưa hàng vào siêu thị vì để đặt chân được vào đây, HTX phải vận chuyển hàng đến tận cửa, trong khi mỗi đợt giao hàng chỉ có khoảng 500kg xoài mà phí vận chuyển từ Trà Vinh về TP.Hồ Chí Minh đã bằng tiền lãi.

Cần có thương hiệu

Tính đến thời điểm này, siêu thị Co.op Mart Đông Hà (Quảng Trị) đã bày bán gần 10 mặt hàng nông sản của địa phương như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm; mặt hàng thực phẩm khô có tiêu xứ Cùa, cao lá vằng, chè thảo mộc… Để có nguồn hàng ổn định, siêu thị ký hợp đồng với các DN, HTX để tổ chức sản xuất. Ví như để có nguồn rau sạch ổn định, cuối năm 2011, Co.op Mart Đông Hà đã ký hợp đồng thu mua rau sạch của HTX Đông Thanh. Chị Hoàng Thị Mỹ Phương, Trưởng quầy thực phẩm tươi sống (Co.op Mart Đông Hà) cho biết, hiện siêu thị đang phối hợp với Nhà máy chế biến nông sản thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị hoàn thành các thủ tục để đưa sản phẩm ném Hải Dương (Hải Lăng) và ném Vĩnh Linh bày bán trên toàn hệ thống Co.op Mart.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Co.op Mart Đông Hà, thời gian tới, siêu thị rất muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân để đưa được nguồn thủy - hải sản tươi sống của địa phương vào siêu thị. Cái khó của ngư dân là không có các giấy tờ, thủ tục hợp lệ như giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận kinh doanh nên HTX, DN phải đứng ra lo việc này.

Tại hội nghị Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, đại diện các kênh phân phối hiện đại như Metro, BigC, Co.op Mart thống nhất cho rằng, cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, bởi khi hàng vào siêu thị bắt buộc phải có thương hiệu và có kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại diện các kênh phân phối này cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để khai thác đặc sản tại mỗi vùng miền, đặc biệt sẽ hợp tác với DN tại địa phương tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu riêng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nêu một thực tế: Các đặc sản và sản phẩm làng nghề ở nước ta rất nhiều, chất lượng sản phẩm tốt và hầu hết các DN sản xuất những mặt hàng này rất có tâm huyết phát triển sản phẩm nhưng do năng lực tài chính có hạn nên khó khăn trong kết nối với các kênh phân phối. Rất khó để những nhà sản xuất nhỏ lẻ đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại vì không đủ tài lực để duy trì hàng hóa trên các kệ hàng ở các trung tâm này trong thời gian sản phẩm của họ chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Siêu thị Big C cho rằng, để trở thành đối tác của siêu thị, ngoài đảm bảo chất lượng, giá thành…, các làng nghề, HTX, nhà vườn... phải tôn trọng quy định pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn mác bao bì, an toàn vệ sinh hay chương trình khuyến mãi đã thỏa thuận.

Khánh Nguyên

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn