Đưa quả vải vào miền Nam: Lạc quan quá sớm?
- Thứ tư - 02/07/2014 03:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Nhờ đẩy mạnh đưa vải thiều vào miền Nam, nông dân đã tiêu thụ được 60-70% lượng vải thiều mà các năm trước phải phụ thuộc thị trường Trung Quốc” là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ chiều 1/7.
Vải thiều vào miền Nam chỉ là giải pháp tạm thời |
Thoạt đầu, thông tin này có thể tạm thời làm yên lòng người nghe bởi con số mà lãnh đạo Bộ Công Thương nói hẳn nhiên phải chính xác.
Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu ngờ ngợ ở sự ước đoán “nếu 90 triệu dân mỗi người ăn vài lạng sẽ giúp nông dân tiêu thụ hết vải thiều” mà vị lãnh đạo này đưa ra.
Có thể hiểu đó chỉ là lời kêu gọi thực lòng của lãnh đạo ngành Công Thương nhằm cứu vãn một tình thế vốn đang rất khó khăn của người nông dân trồng vải hiện tại. Nhưng, lời kêu gọi đó rất có thể sẽ chỉ trở thành một lời nói suông bởi đi kèm đó không có những lý do thuyết phục.
Có thể thấy, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động nhiều năm nay, nhưng kết quả thu được vẫn thực sự rất khiêm tốn. Nhiều loại hàng hóa vốn là thế mạnh của Việt Nam như may mặc, nông sản... đã và đang chấp nhận "lép vế" bởi hàng Trung Quốc tràn lan ở thị trường Việt nhờ ưu thế giá rẻ, mẫu mã bắt mắt dù chất lượng có kém hơn.
Rõ ràng ở đây là câu chuyện thị trường. Nhu cầu thực tế của người tiêu dùng tác động trực tiếp đến thị trường. Muốn giải bài toán thị trường đương nhiên phải nhìn từ góc độ của thị trường chứ không thể áp đặt yếu tố chính trị, hay gần hơn là hô hào lòng yêu nước một cách thuần túy.
Thế nên, việc mỗi người dân ăn vài lạng vải mỗi ngày để giải quyết bài toán đầu ra tức thì cho nông dân trồng vải theo lời ông Hải có lẽ chỉ là chuyện… ước ao. Nhu cầu tiêu dùng thực tế của mỗi người dân là khác nhau. Thứ nữa, họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý “yêu hàng Việt” một cách vô điều kiện nên khó tiếp nhận ngay lời kêu gọi của Thứ trưởng ngành.
Muốn dân yêu hàng Việt, trước hết phải bắt đầu từ thị trường. Làm tốt khâu tiếp thị, khâu bảo quản, phân phối, đặc biệt chú ý đầu tư sản xuất hiệu quả để có giá thành cạnh tranh mới có thể khiến dân tin dùng hàng hóa trong nước. Để giải bài toán này, cần có sự chuẩn bị, thực hiện từ rất lâu chứ không thể chờ đến khi quả vải "gặp hạn" vì thị trường Trung Quốc mới đem ra bàn tính, sẽ khó thành hiện thực.
Trở lại câu chuyện đưa quả vải vào miền Nam, liệu đây có phải là điều dễ dàng và giải quyết được ngay khó khăn trước mắt?
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNN), chúng tôi thấy thực tế còn có rất nhiều khó khăn mà chúng ta chưa tính đến.
Theo ông Tuấn, vải thiều là đặc sản ở miền Bắc, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nhờ những ưu thế về địa lý, những tỉnh trồng vải thiều như Bắc Ninh, Hưng Yên… đều khá gần với các cửa khẩu như Tân Thanh, Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái nên xuất khẩu thuận tiện, thời gian xuất đi cũng nhanh và đó là lợi thế cạnh tranh cho quả vải.
Mặt khác, do thu hoạch ra đến đâu, thương lái thu mua luôn và xuất hàng đi ngay nên trước nay bà con nông dân không chú ý đến đầu tư cho khâu bảo quản, hoặc chế biến sâu nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu như chuyện Trung Quốc hạn chế nhập vải hiện nay.
“Nay chuyển quả vải vào miền Nam, thời gian lâu hơn, đường vận chuyển cũng không thuận tiện, có khi vào được các chợ, các siêu thị miền Nam phải mất cả tuần. Nếu không có công nghệ bảo quản tốt, quả vải vào đến nơi có còn đủ tươi ngon, có được người tiêu dùng đón nhận?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Mặt khác, cũng theo vị chuyên gia này, hiện ở miền Nam cũng đang đúng vụ chôm chôm. Liệu quả vải miền Bắc cạnh tranh được với chôm chôm ở miền Nam hay không cũng cần được tính toán kỹ.
Những vấn đề ông Tuấn nêu ra cho thấy, nếu lúc này chúng ta quá lạc quan và tin tưởng ở việc đưa quả vải vào tiêu thụ ở thị trường miền Nam thì có lẽ còn hơi sớm. Có thể trước mắt, đó là giải pháp duy nhất để chúng ta bám vào, tạm thời tháo gỡ khó khăn được tới đâu hay tới đó.
Nhưng từ sự bị động lần này trong xuất khẩu vải, đã đến lúc các ngành công thương, nông nghiệp phải nhìn xa hơn, tính toán bước đi chắc chắn hơn để giảm thiểu sự bấp bênh khi để nhiều mặt hàng nông sản, đơn cử như quả vải phải phụ thuộc quá lớn và một thị trường nhiều bất ổn như Trung Quốc.
Đặc biệt, với những mặt hàng mang tính thời vụ ngắn như quả vải, cả thu hoạch, lẫn tiêu thụ chỉ gói gọn trong 1, 2 tháng, thì càng cần thiết phải tính toán ngay đến việc tìm một đầu ra ổn định hơn.
Tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới ngoài Trung Quốc là việc phải được các ngành xúc tiến nhanh. Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng sản xuất, rồi đầu tư công nghệ, hệ thống bảo quản, phân phối, tiêu thụ cũng phải được sắp xếp lại để việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững đạt hiệu quả thực chất. Đó không chỉ là vấn đề "lộ trình tái cơ cấu" mà là vấn đề cấp bách của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo vtc.vn