Đưa tỏi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, vì sao?

Đưa tỏi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, vì sao?
Từ lâu, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn xa khắp nước và ra nhiều nơi trên thế giới. Với việc đưa tỏi Nhật vào trồng “cạnh tranh” trực tiếp với tỏi Lý Sơn trên hòn đảo có diện tích đất trồng tỏi rất ít ỏi này, cơ may tồn tại và phát triển của tỏi Lý Sơn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
 

Vùng trồng tỏi ở Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn. Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản). Ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc công ty này giới thiệu giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha, giá mỗi kg khoảng 180 ngàn đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhà nông học Lê Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế) tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Quảng Ngãi sẽ cho phép giống tỏi voi Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.

Theo ông Dũng, tỏi Lý Sơn là đặc sản, nổi tiếng không chỉ trong nước. Đây là giống tỏi quý chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này. Trong đó, đặc biệt nhất là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển. Việc cho chủ trương trồng tỏi Nhật Bản trên đảo Lý Sơn, theo nhà nông học này, đó là xu hướng chung hiện nay ở nước ta là thích “của ngoại” và thường nghĩ rằng giống ngoại là tốt nhất.

Tiến sỹ, nhà nông học Lê Tiến Dũng.

“Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa”, TS Dũng nói. Bởi theo ông, tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong  như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu”.   

Là người lâu năm trong nghiên cứu nông học, ông Dũng chia sẻ: Nhiều chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản mà ông từng làm việc đã từng cảnh báo về việc chúng ta quá say sưa nhập giống của nước ngoài, trong đó có giống của Nhật Bản. Trong khi người Nhật bản đi thu thập giống của Việt Nam về để dùng. Còn việc Việt Nam có giống tốt thì không dùng mà đi làm điều ngược lại.

Ở các nước phát triển, chính sách bảo hộ nông sản rất được coi trọng. Các nước xem quỹ gen là nguồn tài sản quý, vô giá của quốc gia nên đầu tư kinh phí rất lớn để lập các ngân hàng quỹ gen. Các nước thu thập các nguồn gen không chỉ trong nước và cả nước ngoài để làm tài sản quốc gia và rất được coi trọng. Còn tại nước ta hiện nay, lãnh đạo các địa phương ít chú trọng việc này mà chỉ quan tâm đến những vấn đề khác, trong đó có lợi ích kinh tế trước mắt. Việc này để lại hậu quả là thế hệ con cháu mất những sản vật quý, đặc sản, đặc trưng chỉ có ở những vùng miền.

Theo ông Dũng việc nhập các giống cây trồng, nguyên tắc chung phải được nhà nước thông qua bằng các nghị định thư, các hiệp định trao đổi sản phẩm khoa học… Các nước muốn trao đổi phải có nghị định thư trao đổi các sản phẩm khoa học. Việc nhập một giống mới phải qua con đường khảo nghiệm giống. Nhà nước kiểm nghiệm từ các khâu và phải qua kiểm dịch thực vật. Sau đó sẽ theo dõi giống đó về đâu,  theo dõi, đánh giá và báo cáo thường xuyên. Thông qua Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp sẽ đánh giá cho phép sản xuất chứ không được tùy tiện.  

“Muốn đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Việt Nam phải qua con đường khảo nghiệm, được nhà nước và vùng sản xuất chấp nhận  thì mới mở rộng sản xuất. Cơ quan khảo nghiệm sẽ là trọng tài  đồng ý cho phép sản xuất. Hội đồng đánh giá nhà nước có văn bản đánh giá đồng ý cho phép thì mới cho phép sản xuất ở vùng đó”, nhà nông học Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.   

Quy định là vậy, tuy nhiên theo TS Dũng, gần đây một số giống cây trồng các địa phương tự nhập về bỏ qua khâu khảo nghiệm. “Phép vua thua lệ làng”, về mặt quản lý nhà nước phải đứng bên ngoài, tiếng nói do địa phương quyết định.

“Nếu nhà nước cho phép, giống tỏi Nhật Bản đưa vào vùng khác của Quảng Ngãi thì được.  Riêng Lý Sơn thì đừng. Nếu tỏi Lý Sơn mất thì mất một thương hiệu, mất một dư địa chí cho sản phẩm đặc sản. Diện tích eo hẹp như vậy thì nên độc nhất một giống tỏi Lý Sơn”, ông Dũng cho biết.

 

Cục trưởng cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Cần làm rõ việc nhập khẩu tỏi voi của Nhật mục đích gì

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 21/11, liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Ngãi thông qua chủ trương đưa giống tỏi voi của Nhật vào trồng ở Lý Sơn (địa danh trồng tỏi nổi tiếng), ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần làm rõ việc nhập khẩu giống tỏi này vào Lý Sơn với mục đích gì.

“Đây là thông tin chúng tôi mới biết, do vậy, cần phải kiểm tra lại, xem bản chất của nó là gì, tỏi đó như thế nào, có nằm trong dự án nào không? Loại tỏi đó, trồng để xuất đi Nhật hay không, hay là trồng để tiêu thụ trong nước. Hoặc, với dự án này ai xây dựng, đơn vị nào phê duyệt, và họ đã thẩm định dự án đó đến mức nào rồi?”-ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, về nguyên tắc, với giống nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, khi nhập về phải qua cơ quan kiểm dịch. Ở đây, với giống tỏi voi, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ trực tiếp lấy mẫu để kiểm soát dịch hại. Thậm chí, trong trường hợp có mầm bệnh rủi ro dịch hại, cơ quan kiểm dịch sẽ đánh giá rủi ro dịch hại, để kiểm soát.

Ngoài ra, đối với giống chưa nằm trong danh mục, nếu nhập về phục vụ khảo kiểm nghiệm, hoặc sản xuất theo dự án, phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.           

 

 

(Nguồn tin:tienphong.vn)