Đừng đổ tại nông dân

Đừng đổ tại nông dân
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa vụ Đông Xuân 2012 – 2013 đã kết thúc. Báo chí đưa tin, theo ước tính từ các địa phương, phần nửa sản lượng lúa hàng hoá vụ đông xuân, khoảng hơn 3 triệu tấn, nông dân phải tự trữ lại vì bị ế ẩm, trong đó chủ yếu là các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao.
Lâu nay chính sách mua tạm trữ lúa gạo để tháo gỡ khó khăn cho nông dân hiện vẫn đang lúng túng, chưa giải quyết được quanh câu chuyện về giá, lợi cho doanh nghiệp hay lợi cho nông dân thì thời điểm này lại phát sinh thêm tình trạng lúa ế do chất lượng không đạt tiêu chuẩn. 
 
 
Bà con nông dân nói làm lúa đúng quy trình chất lượng 
mà bán cũng không ai mua
Ảnh: Hoàng Long
 
Mặc dù, câu chuyện lúa ế không phải giờ mới nảy sinh, gần như vụ lúa năm nào cũng xảy ra, khi thì do giá thấp, giờ lại do chất lượng. Là một nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới, thế mà nhiều năm nay chúng ta vẫn không tìm ra được một mô hình thỏa đáng để vừa tận dụng được những thế mạnh lại vừa khắc phục được khó khăn, mang lại sự phồn vinh cho người trồng lúa thì quả là trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý và cả các chuyên gia trong ngành lúa gạo.
 
Mổ xẻ nguyên nhân việc nông dân phải tự trữ lúa do doanh nghiệp không mua hết, trên diễn đàn báo chí, các chuyên gia, nhà quản lý đều đã đưa ra lời giải thích. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang cho biết: Đề án Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, khuyến cáo nông dân trồng các loại gạo đặc sản, gạo thơm, nhưng đến khi thu hoạch doanh nghiệp lại không mua. Còn chuyên gia Viện Lúa ĐBSCL xác nhận: bà con nông dân nói làm lúa đúng quy trình chất lượng mà bán cũng không ai mua. 
 
Về phía doanh nghiệp thu mua, một vị Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực thì gay gắt: "Phải phân biệt được lúa thơm và lúa chất lượng cao!” và cho rằng lỗi là ở nông dân trồng lúa! 
Trong khi  đó, bỏ qua những tranh luận bên ngoài đồng ruộng, ở những nơi không trực tiếp làm ra hạt lúa, một nông dân huyện Thới Lai (Cần Thơ) bức xúc: "Doanh nghiệp nào cũng nói cho lấy được vì họ biết chắc nông dân thì không thể không trồng lúa”. Rõ ràng lời giải thích này nghe thật đúng và có lý khi xét cho cùng nông dân nào chẳng muốn sản phẩm của họ chất lượng cao, bán được nhiều, tăng thu nhập cho họ và gia đình. Thế nên, nếu có ai đó đồng tình với quan điểm rằng chất lượng lúa gạo chưa tốt là tại nông dân thì quả là không công bằng với những người làm ra hạt thóc.
 
Cho đến  thời  điểm này, có thể nói chưa có lời giải về việc tiêu thụ lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sau tạm trữ”. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đã  trả lời  trên báo chí  rằng: năm nào cũng mua tạm trữ gạo nhưng hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm. Thậm chí, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã từng phản ánh tình trạng lợi ích nhóm  trong chính sách tiêu thụ xuất khẩu gạo và tạm trữ, nhưng đã qua nhiều mùa lúa tình hình vẫn chưa có gì đổi mới.
 
Đã qua 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, sản xuất lúa gạo được coi là thế mạnh  của một đất nước  nông nghiệp  như Việt Nam, cái hay cái dở đã tương đối rõ ràng thế nhưng vẫn phải nhắc đi nhắc lại một vấn đề đã cũ mà một vị cựu Bộ trưởng Thương mại rất yêu mến nông dân đã từng nhắc nhở những người làm nông nghiệp rằng: " Người nông dân cần phải được hỗ trợ để ngoài kiến thức nông học còn phải biết hợp tác, liên kết sản xuất, phối hợp với các tổ chức kinh doanh nông sản để cùng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm khép kín”. 
 
Không biết bao nhiêu năm nữa sau khi gia nhập WTO người nông dân Việt Nam được làm nông nghiệp trong điều kiện như thế?
 
Nguyễn Minh Tuệ
Nguồn: ddk.vn