Dùng một phần phí đường bộ để xây đường nông thôn

Một phần phí bảo trì đường bộ thu được từ xe máy sẽ được nộp vào ngân sách địa phương để UBND cấp xã đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn.
Một phần phí bảo trì đường bộ thu được từ xe máy sẽ được dùng để xây đường giao thông nông thôn. TPHCM là địa phương hiện tại chưa thu phí đường bộ đối với xe máy - Ảnh: Anh Quân

Đây là điểm đáng chú ý trong Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ ký ban hành hôm 30-5

Trong nghị định sửa đổi bổ sung lần này, phí bảo trì đường bộ thu được từ xe máy được nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới và bổ sung vào quỹ đường bộ địa phương, đồng thời phần chính vẫn là để tu sửa đường sá.

Trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc một phần phí bảo trì đường bộ thu được từ xe máy để chi cho UBND cấp xã đầu tư đường giao thông nông thôn.

Nghị định cũng nêu rõ việc xác định tỷ lệ phân chia phải cân đối giữa nhu cầu đầu tư đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới và yêu cầu về quản lý bảo trì hệ thống đường địa phương phù hợp với tình hình thu chi ngân sách địa phương và đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, hiệu quả.

Trước đó, vào cuối năm 2013 góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung việc thu phí bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp vận tải tại TPHCM đã phản đối việc lấy quỹ bảo trì đường bộ để cấp xã đầu tư đường giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Các doanh nghiệp trích dẫn lại quy định tại điều 7 Nghị định 18/2012/NĐ-CP về nội dung chi của quỹ bảo trì đường bộ rằng “quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ, quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương”.

Các doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư đường giao thông nông thôn để xây dựng nông thôn mới lẽ ra phải được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước chứ không thể lấy từ quỹ bảo trì đường bộ.

Ngoài ra, Nghị định 56/2014/NĐ-CP quy định vẫn thu phí hàng năm đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc chứ không bỏ thu phí 2 thiết bị này như kiến nghị của doanh nghiệp.

Nghị định 56 sửa đổi, bổ sung một số điều về thu quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 20-8 tới.

Quỹ bảo trì đường bộ chính thức bắt đầu thu đối với ô tô từ ngày 1-1-2013, còn đối với xe máy hiện nay nhiều tỉnh thành phố đang thực hiện thu, song còn nhiều tỉnh hiện nay vẫn chưa thu phí đường bộ đối với xe máy do chưa được hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố thông qua mức thu.
                                                                                                                                                                                                    Lê Anh
                                                                                                                                                                                    Theo thesaigontimes.vn