Đừng quay lưng với những nhà sản xuất chân chính
- Thứ năm - 19/05/2016 20:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dành trọn cuộc đời cho nghề làm tàu hủ
Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm tàu hủ ở TP.Cao Lãnh, cũng là từng ấy thời gian ông Thái Thanh Bình, chủ cơ sở sản xuất đậu hủ - tàu hủ ky Bình Loan (ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) bền bỉ với lý tưởng “sản xuất đậu hủ sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng”.
Ông Bình tâm sự: “Là dân trong nghề nên tôi rất hiểu “nỗi lòng” của những người làm ra sản phẩm này. Không phải tự dưng nhiều cơ sở làm đậu hủ và tàu hủ ky thêm những chất: thạch cao, hàn the, bột béo... vào sản phẩm, mà một phần nguyên nhân là do đòi hỏi của người tiêu dùng. Khi ra chợ, hầu hết các “thượng đế” thường thích chọn những loại tàu hủ có mẫu mã bắt mắt, ăn vào dai, ngon, giá rẻ... Nhưng hơn ai hết tôi hiểu rằng, nếu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm ấy thì sức khỏe sẽ bị nguy hại”.
Từ những suy nghĩ đó, hơn 30 năm qua, ông Bình trung thành với công thức sản xuất đậu hủ không chất hóa học hay phụ gia độc hại. Tuy nhiên, đã có một thời gian dài ông Bình phải chật vật với “cái tâm làm nghề” của mình do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng không thật sự tha thiết đón nhận sản phẩm của cơ sở Bình Loan vì mẫu mã, màu sắc không bắt mắt; còn giá cả thì không hấp dẫn như các sản phẩm cùng loại. Cơ hội chỉ thật sự mỉm cười với ông Bình khi Siêu thị Co.opMart chính thức mời ông làm nhà cung cấp sản phẩm tàu hủ ky cho toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opMart trên toàn quốc.
Hiện tại, cơ sở sản xuất đậu hủ - tàu hủ ky Bình Loan là cơ sở sản xuất tàu hủ duy nhất ở Đồng Tháp có sản phẩm được phân phối toàn bộ hệ thống Co.opMart cả nước. Sau bước ngoặt lớn này, nhiều đơn vị, đối tác lớn ở TP.Hồ Chí Minh đã đến đặt vấn đề hợp tác với cơ sở của ông Bình.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện tại cơ sở đang mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến, sắp tới ngoài 4 nhóm sản phẩm chính là: đậu hủ, tàu hủ ky lá, tàu hủ ky non, tàu hủ ky cọng, chả chay; cơ sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thêm một số dòng sản phẩm mới cung cấp ngày càng đa dạng hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản xuất lúa an toàn
Cũng giống như ông Bình, bạn Võ Văn Tiếng - một thanh niên trẻ ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự luôn trăn trở với chất lượng nông sản mà ngày ngày gia đình đang sử dụng.
Tiếng tâm sự: “Tại sao nông dân mình luôn có tâm lý “để dành” những nông sản chất lượng tốt nhất để xuất khẩu trong khi người dân của mình vẫn ngày ngày vật lộn với những thực phẩm bẩn, kém chất lượng?”. Từ đó, Tiếng quyết tâm đi học cách trồng nông sản sạch, cây lúa là cây trồng đầu tiên mà Tiếng lựa chọn.
Ban đầu khi nghe Tiếng trình bày dự án trồng lúa không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, nhiều người đều cho rằng, ý tưởng của Tiếng thật điên rồ. Tuy nhiên, sau 3 mùa trồng thử nghiệm và đối chứng, mô hình trồng lúa sinh thái trên diện tích 2ha của Tiếng thành công ngoài mong đợi. Với những kỹ thuật sử dụng thiên địch để chống lại dịch hại, nuôi vịt, cá trong ruộng lúa để chống rầy nâu mà ông bà ta từng làm từ ngàn xưa được Tiếng vận dụng lại một cách khoa học. Hiện tại, sản phẩm gạo an toàn của Tiếng được nhiều khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh biết tới với thương hiệu gạo Tâm Việt. Sản phẩm gạo của Tiếng còn có mặt ở phiên chợ Xanh - Tử tế do BSA tổ chức.
Hiện Tiếng tiếp tục vay vốn mở rộng mô hình sản xuất lên 10ha. Để mô hình sản xuất lúa theo quy trình sinh thái đạt chất lượng tốt nhất, Tiếng đang tiến hành đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống đê bao khép kín, biệt lập với các ruộng lúa xung quanh và đào ao lắng lọc nước với sức chứa trên 10.000m3 phục vụ tưới lúa. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề hợp tác làm đầu mối phân phối và xuất khẩu sản phẩm gạo của Tiếng. Tuy nhiên, chàng trai 9X này tâm niệm, làm gạo sạch phục vụ cho gia đình, cộng đồng ở thị trường nội địa là mục tiêu quan trọng nhất. Hiện, Tiếng cũng bắt đầu mở rộng mô hình sản xuất sang các nhóm nông sản khác như: đậu nành, đậu xanh, đậu phộng... nhằm phục vụ người tiêu dùng.
Đưa rau an toàn ra chợ
Trong bối cảnh “thật giả lẫn lộn”, người tiêu dùng luôn có những cái nhìn dò xét về phía người nông dân thì các bác nông dân tại Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn ở xã Định An, huyện Lấp Vò vẫn cần mẫn bên những liếp rau được sản xuất theo quy trình an toàn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn xã Định An tâm sự: “Mặc dù hiện nay rau an toàn của THT chưa tìm được kênh tiêu thụ chuyên nghiệp như siêu thị, chỉ bán ở các chợ truyền thống, nhưng chúng tôi cảm thấy có động lực khi được sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng ở đây. Các thành viên trong THT cảm thấy tự hào khi cung cấp những sản phẩm chất lượng cho bữa ăn của nhiều gia đình”.
Hiện tại, trung bình THT cung cấp cho thị trường trên 60kg rau các loại bao gồm nhiều loại rau thuộc nhóm rau ăn quả và ăn lá. Trong năm 2016, THT dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhà lưới để sản xuất đa dạng các loại rau hơn nữa để cung cấp cho người tiêu dùng.
Với tấm lòng là trách nhiệm của người sản xuất, nhiều nông dân vẫn đang chung tay xây dựng một nền nông nghiệp xanh - sạch. Vì vậy, không có lý do gì mà cộng đồng gạt đi những nỗ lực và tấm lòng của những nhà sản xuất.
Theo Mỹ Lý - Báo Đồng Tháp Online