Dùng 'tiểu xảo' để duyệt viện phí mức cao

Đã có 26 tỉnh, thành phố phê duyệt giá viện phí mới. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN), nhiều địa phương thẩm định viện phí kiểu “qua loa” nên kết quả không chính xác. Nhiều nơi còn dùng các “tiểu xảo” để được duyệt viện phí với mức cao nhằm tăng thu cho bệnh viện!

Những “tiểu xảo” khi đề xuất giá viện phí

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng chế độ BHYT - Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 17/7, cả nước đã có 26 tỉnh, thành được Hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua khung giá viện phí mới dựa trên khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành vào tháng 2 vừa qua.

Trong số những tỉnh, thành đã phê duyệt viện phí, có những tỉnh, thành phê duyệt viện phí ở mức rất cao so với khung giá do liên bộ ban hành, như: Khánh Hòa: 95%, Cao Bằng: 93%, Ninh Thuận 91%, Đồng Tháp 93%, … 

Ngoài ra, hiện nay còn Quảng Trị đang xây dựng ở mức 95% khung nhưng chưa được thông qua. Tỉnh Lào Cai xây dựng khung giá ở mức 98-100% nhưng đang phải xem xét lại do quá bất hợp lý.

Nhiều địa phương dùng "tiểu xảo" để viện phí được duyệt ở mức cao

Để giá viện phí có thể được phê duyệt ở mức cao, theo thông tin từ BHXH VN, thì các địa phương đã sử dụng một số “thủ thuật”, "tiểu xảo" nhằm đưa ra những lý luận lô gic cho việc này.

Cụ thể: Cách phổ biến mà các địa phương thường dùng là chia nhóm các dịch vụ kỹ thuật, trong đó, dịch vụ kỹ thuật nào thường xuyên được sử dụng (như khám bệnh, giường bệnh, ….) thì đề xuất ở mức rất cao. Còn những dịch vụ kỹ thuật ít được sử dụng (như sinh thiết tủy xương, …) thì đề xuất ở mức thấp.

Ví dụ như tỉnh Hải Dương có mức viện phí đề xuất chung là 70% nhưng riêng giá giường bệnh lại được đề xuất ở mức 99% của khung. Còn tỉnh Bắc Ninh, giá chung là 84% nhưng giá giường bệnh lại đề nghị ở mức 89%. Bến Tre giá viện phí chung là trên 80% nhưng giá giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, siêu âm thường xuyên thực hiện lại được đề xuất ở mức 93-97%!

Một loạt các tỉnh, thành phải hạ giá viện phí

Một loạt các địa phương khi xây dựng, đề xuất giá viện phí ở mức rất cao nhưng sau khi được thẩm định đã bắt buộc phải hạ thấp, thậm chí có tỉnh hạ đến vài chục phần trăm.

Có thể lấy ví dụ: Tỉnh Bình Định ban đầu xây dựng ở mức tối đa của khung (100%) nhưng sau khi đơn vị thẩm định có ý kiến, cuối cùng giá viện phí được phê duyệt của tỉnh này chỉ còn mức 70%. Tỉnh Lâm Đồng đề xuất 85% nhưng được phê duyệt ở mức 75%. Tỉnh Vĩnh Long đề xuất mức trên 90% nhưng được phê duyệt ở mức 81%.

“Mục đích của việc này là nhằm “cào bằng” mức viện phí chung, nhưng thực chất các bệnh viện vẫn có lợi bởi nguồn thu của họ sẽ tăng lên đáng kể nếu các dịch vụ thường xuyên sử dụng được phê duyệt ở mức cao”, ông Lê Văn Phúc đánh giá.

Ngoài ra, hiện nay các địa phương còn có “thủ thuật” là đưa những dịch vụ kỹ thuật mình chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện bao giờ vào trong danh mục để được thông qua viện phí với mức giá cao.

“Nhiệm vụ của cơ quan thẩm định là phải lọc ra được những dịch vụ này để tránh việc phê duyệt giá không chính xác. Nếu như cơ quan thẩm định làm việc “qua loa”, không cụ thể tới từng trường hợp thì dễ bỏ qua những điều này”, ông Phúc cho hay.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tế là có không ít địa phương thực hiện việc thẩm định giá viện phí khá hời hợt, do đó kết quả là các địa phương đề xuất mức giá không sát thực tế.

Chưa hết, theo thông tin từ BHXH VN, do muốn giảm áp lực từ ngân sách Nhà nước nên tại nhiều địa phương, Sở Y tế còn bị lãnh đạo tỉnh “bật đèn xanh” cho việc thu viện phí giá cao để tăng nguồn thu cho ngành y tế, giảm ngân sách của Nhà nước vào lĩnh vực này. Do đó, việc xây dựng giá viện phí rất khó để đảm bảo tính khoa học, khách quan, minh bạch.

Siết chặt thẩm định trước khi thanh toán

BHXH VN cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, thẩm định chặt chẽ vấn đề lạm dụng dịch vụ ở các địa phương có mức viện phí cao

Theo lý giải của BHXH VN, nguyên nhân khiến địa phương nào cũng muốn xây dựng khung giá ở mức cao là do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, do bệnh viện muốn tăng nguồn thu (nhưng không căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương);

Thứ hai, do giá thuốc, giá vật tư tiêu hao được đấu thầu với giá cao, đẩy giá chung lên cao;

Thứ ba, do cơ quan tham mưu từ phía bệnh viện trở lên không nắm được định mức do Bộ Y tế ban hành. Định mức này chỉ có tính tham khảo chứ không phải áp cho tất cả các địa phương.

Ông Phúc lấy ví dụ: Có bệnh viện tuyến tỉnh muốn thu tiền giường bệnh ở mức tối đa, nhưng không đảm bảo các tiêu chuẩn để được thu mức giá đó.

Trong khi bệnh viện tuyến trung ương, hạng đặc biệt có giường bệnh với đầy đủ điều hòa, máy hút bụi, hút ẩm, máy lọc không khí, … mới được thu giá giường bệnh tối đa thì bệnh viện tuyến tỉnh thiếu thốn đủ thứ, chưa đủ nguồn lực để trang bị nhưng cũng đòi mức giá tương tự là điều rất bất hợp lý.

Đánh giá tác động của tình trạng trên, ông Phúc cho biết, nguy cơ hiện hữu trước tiên là nguy cơ vỡ quỹ BHYT (có tỉnh vỡ quỹ liên tục nhưng vẫn đề xuất giá ở mức cao), tiếp đến là khả năng chi trả của người bệnh bị đe dọa, bởi tăng viện phí, tiền khám chữa bệnh của bệnh nhân phải đồng chi trả tăng thêm khoảng 26% - một gánh nặng lớn đối với người bệnh, đặc biệt là các đối tượng chưa có BHYT.

Trước thực trạng này, Tổng giám đốc BHXH VN đã có văn bản gửi Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND các địa phương đã thông qua giá viện phí rồi hoặc đang xem xét ở mức cao, đề nghị các địa phương thẩm định kỹ càng, điều chỉnh giá viện phí sao cho hợp lý.

Với các địa phương mà HĐND đã thông qua về nguyên tắc mà vẫn có thể điều chỉnh được thì cần xem xét lại. Còn với các địa phương đã thông qua và vẫn theo nghị quyết của HĐND tỉnh thì về nguyên tắc, cơ quan BHXH vẫn phải chi trả nhưng sẽ tiến hành thẩm định, giám sát chặt chẽ để tránh việc thất thoát quỹ BHYT.

 

Nguồn : tinmoi