Gà thải loại: Ổ bệnh di động
- Thứ năm - 31/01/2013 21:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Trung cho biết: Tại thị trường Hà Nội, lượng gà nhập lậu đã giảm đến 90% sau hơn một tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Tuy nhiên, ngăn chặn dứt điểm tình trạng này là rất khó. Bằng chứng là liên tục những ngày vừa qua, nhiều tỉnh phía Bắc phát hiện nhiều vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Gà nhập lậu chủ yếu từ biên giới phía Bắc đưa vào Việt Nam có giá rất rẻ, từ 10.000 đồng- 15.000 đồng/con.
Tuy nhiên, khi bán cho người dân khoảng 80.000 đồng - 100.000 đồng/con. Do siêu lợi nhuận như vậy nên các đầu nậu rất tích cực thu mua để bán không cần quan tâm đến ảnh hưởng tiêu cực của loại gà này đến sức khỏe người dân cũng như ngành chăn nuôi trong nước.
Người tiêu dùng vẫn không biết phân biệt đâu là gà thải loại, đâu là gà sạch. Ảnh:PV. |
Ông cho biết cụ thể về kết quả kiểm nghiệm đối với các mẫu gà nhập lậu?
Kết quả kiểm tra mẫu gà nhập lậu thu giữ thì 100% mẫu thịt, mẫu gan gà đều có tồn lưu kháng sinh trong chăn nuôi. Kết quả kiểm nghiệm 14 mẫu gà thải loại sống, có tới 9/14 mẫu tồn dư kháng sinh Chloramphenicol với hàm lượng trung bình là 0,41 mg/kg, có 8/14 mẫu tồn dư kháng sinh Cycline với hàm lượng 9,1 mg/kg.
Kiểm tra 14 mẫu gan gà sống phát hiện 4/14 mẫu tồn dư kháng sinh Chloramphenicol, hàm lượng trung bình là 0,67 mg/kg, tồn dư Cycline là 11/14 mẫu. Đây là những loại kháng sinh đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ lâu, bởi nó gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
Khi ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh, người tiêu dùng chịu những tác hại gì?
Chloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn. Đối với loại kháng sinh Cycline, nếu sử dụng nhiều gây ảnh hưởng tới hệ thống gan, dẫn đến suy gan.
Kháng sinh Sulfadiazin tồn dư trong gà ở mức cao khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng thận, làm suy thận. Nếu ăn nhiều loại thịt này, cơ thể con người sẽ tạo ra vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh nên khi chúng gây bệnh cho người thì rất khó điều trị.
Ăn phải thịt gà tồn dư kháng sinh cũng làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể người, khiến cơ thể dần dần trở nên giảm sức đề kháng. Với trẻ em, ăn phải những thực phẩm tồn dư kháng sinh độc hại này, sức khỏe bị ảnh hưởng càng lớn.
Trong gà thải loại tồn dư kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Vậy ăn gà trong nước có gì nguy hại gì tới sức khỏe, thưa ông?
Đau tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã lấy một số mẫu gà nội địa xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong các mẫu này không có tồn dư kháng sinh, không tồn dư hoóc-môn. Vì thế người dân hoàn toàn có thể yên tâm ăn gà nuôi trong nước.
Để người dân yên tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lấy mẫu các nhóm sản phẩm này, kể cả gà nhập lậu và gà nội địa để cảnh báo người tiêu dùng biết, đồng thời tuyên truyền, đấu tranh với những người cố tình vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu.
Hiện nay, tại chợ, gà được làm thịt sẵn nên rất khó phân biệt là gà thải loại hay gà sạch, ông có thể cho người tiêu dùng biết cách phân biệt giữa hai loại gà này?
Gà loại thải thường là giống gà nuôi đẻ trứng, nuôi từ 1 năm đến 1,5 năm. Gia cầm rất hay bị ốm nên để nuôi được trong thời gian dài, ngoài tiêm vaccine phòng bệnh, người chăn nuôi phải liên tục trộn kháng sinh lẫn vào thức ăn của gà để phòng bệnh.
Đó là lý do trong thịt gà thải loại có tồn dư kháng sinh, còn trong gà thịt nuôi ngắn ngày tại Việt Nam thì thường không có tồn dư kháng sinh. Gà nuôi đẻ trứng thường là gà nuôi theo đàn, nuôi theo kiểu công nghiệp và hay cho ăn theo máng.
Do đó gà ở trong lồng phải vươn cổ dùng mỏ lấy thức ăn, cổ chạm vào lồng sắt nên hay bị rụng lông dưới vùng cổ. Khi mua gà còn sống cần kiểm tra vùng lông ở cổ gà, nếu thấy rụng lông, da cổ sần dày, chai thì không nên mua.
Muốn biết gà có tồn dư kháng sinh không thì không thể phân biệt được bằng mắt thường mà phải lấy mẫu thịt, mẫu máu để phân tích. Trường hợp mua gà còn sống về nhà làm thịt, nếu thấy thân gà có nhiều khối u xanh tím, dạ con và hậu môn to, buồng trứng teo lại (do đẻ nhiều) thì không nên ăn.
Ông tránh gà thải loại bằng cách nào?
Ngoài những đặc điểm đã nói ở trên, tôi tuyệt đối không ăn phở gà, bún gà ở những cửa hàng không có cam kết không sử dụng gia cầm nhập lậu, vì ở đó gà đã được xé nhỏ ra nên không thể phân biệt được là gà thải loại hay gà sạch.
Cục An toàn Thực phẩm cho biết sau những cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng tại nhiều cửa hàng ăn uống tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, chủ cửa hàng đã chủ động cam kết chất lượng gà sử dụng tại cửa hàng bằng việc dán thông báo với nội dung không sử dụng gia cầm nhập lậu, không sử dụng thực phẩm không an toàn. Tại nhiều chợ ở nội thành Hà Nội, các chủ cửa hàng kinh doanh gia cầm đều đã biết thông tin về việc xuất hiện nhiều gà thải loại nhập lậu. Chị Nguyễn Thị Mai, bán gà tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi phần lớn lấy gà từ Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội), dân làng Đại Từ và Khu đô thị Linh Đàm mua gà này quen bao năm rồi nên chợ này không có gà thải loại của Trung Quốc”. Theo phân loại của các chuyên gia thực phẩm về gà sạch và gà thải loại nhập lậu, có thể nhận thấy tại những chợ lớn như Chợ Hôm Đức Viên, chợ Mơ, không có dấu hiệu bán gà thải loại nhập lậu. Thái Hà |
Thái Hà
tienphong.vn
|