Gắn khuyến nông với xây dựng nông thôn mới

Nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo đột phá trong nhận thức của nông dân, những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Hà Nội liên tục xây dựng và triển khai các mô hình, sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao.
Ảnh minh họa từ Internet


Thông qua các mô hình, diện mạo khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến. Trong năm 2013, TTKN Hà Nội tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình, gắn sự phát triển mô hình với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Những ngày này, nông dân xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức đang bước vào thu hoạch bí xanh vụ đông. Trên cánh đồng An Mỹ, đâu đâu cũng thấy nông dân tất bật chở bí bán cho thương lái. Trước đây, vụ đông ở An Mỹ thường sản xuất đậu tương, hiệu quả không cao. Nhờ mô hình sản xuất bí xanh của TTKN Hà Nội, mấy năm gần đây, nông dân An Mỹ đã có khoản lớn, lo được cái tết đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Mỹ cho rằng, trồng bí xanh thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70 đến 90 ngày), năng suất đạt khoảng 35-40 tấn quả/ha, thu được khoảng 180-200 triệu đồng/ha, cao gấp 6-7 lần trồng đậu tương. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ tại huyện Ba Vì cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012 là năm thứ 3 TTKN triển khai mô hình này tại Ba Vì, với diện tích 20ha. Bình quân thanh long ruột đỏ cho thu hoạch 8 đợt/năm, năng suất đạt khoảng hơn 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế trên 300 triệu đồng/ha. Thành công từ mô hình là tiền đề để mở rộng diện tích, xây dựng vùng thanh long ruột đỏ tập trung, từng bước xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ của Hà Nội để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Để hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, TTKN đã triển khai nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKN Hà Nội cho biết: Năm 2012, TTKN đã triển khai mô hình sản xuất lúa gieo thẳng với quy mô 2.600ha; hỗ trợ các điểm quy hoạch vùng sản xuất tập trung có diện tích 10ha trở lên tại 11 huyện ngoại thành. Kết quả, 1ha lúa gieo thẳng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa truyền thống khoảng 6 triệu đồng. Không những thế, gieo thẳng lúa tranh thủ được thời vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7 đến 10 ngày. Đây là tiền đề xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn theo chủ trương của Bộ NN& PTNT. Song song với mô hình lúa gieo thẳng, mô hình sử dụng máy cấy đang góp phần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thủ công của nông dân. Năm qua, TTKN cũng đã triển khai mô hình máy cấy tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Ba Vì. Lúa cấy bằng máy giảm chi phí sản xuất, năng suất tăng hơn phương pháp truyền thống từ 7 đến 10%. Điều quan trọng, lúa cấy bằng máy ít sâu bệnh, giảm tiền thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, TTKN Hà Nội còn triển khai hàng loạt các mô hình sản xuất hoa lan, hoa ly chất lượng cao; mô hình sản xuất khoai tây bằng phương pháp xử lý rơm rạ, mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học…

Có được thành công đó, là nhờ công tác xúc tiến thương mại, liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, trong khi các địa phương trên cả nước đang dồn sức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, việc hình thành các mô hình kinh tế giá trị cao là điều rất quan trọng. Sự tồn tại và phát triển của các mô hình khuyến nông đã giải quyết được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: tiêu chí thu nhập, tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch, văn hóa… Gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xã Nam Sơn (Sóc Sơn) - một trong những hộ tham gia mô hình gà thả vườn an toàn sinh học chia sẻ: Trước kia gia đình ông luôn xếp vào diện hộ nghèo của địa phương. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, gia đình ông đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Với quy mô nuôi một nghìn con, gia đình ông thu được trên 40 triệu đồng/lứa; mỗi lứa là từ 3 đến 3,5 tháng và mỗi năm nuôi 3-4 lứa. 

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, các địa phương phải đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định: Khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM. TTKN Hà Nội cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường đào tạo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan, kém hiệu quả.