Gia Bình: Quy hoạch phát triển các khu chăn nuôi tập trung

Gia Bình: Quy hoạch phát triển các khu chăn nuôi tập trung
Nhằm tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi địa phương cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, huyện Gia Bình đã xây dựng quy hoạch phát triển các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư giai đoạn 2011- 2015.

Gia Bình đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm tập trung, phấn đấu tăng trưởng bình quân 9-10%/năm.

Theo đó, Gia Bình tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô trang trại ngoài khu dân cư theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học tại những nơi có đất sản xuất nông nghiệp lâu dài, ổn định; từng bước tổ chức chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu giống, thức ăn đến chăm sóc, nuôi dưỡng, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản gia súc, gia cầm có quy mô phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Vị trí được lựa chọn để quy hoạch mới khu chăn nuôi trang trại, nơi giết mổ tập trung nằm cách xa khu dân cư, chợ, trường học, nơi công cộng và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện tối thiểu 200m; diện tích một khu chăn nuôi tập trung tối thiểu phải đạt 2ha trở lên, cơ sở giết mổ tập trung từ 0,5ha trở lên.

Đến nay, Gia Bình đã triển khai một số mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trong đó tạo điều kiện cho Công ty TNHH Hải Ninh đầu tư trại chăn nuôi gia công (liên kết với Tập đoàn CP của Thái Lan) tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm với tổng diện tích 3,5ha, nuôi 3.000 lợn thịt theo phương thức: CP đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y, tư vấn kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm; Công ty TNHH Hải Ninh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân công. Đây là mô hình liên doanh, liên kết đầu tiên trên địa bàn theo quy mô khép kín và an toàn dịch bệnh nên đang được huyện theo dõi, đánh giá sát sao, nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

Ngoài ra, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Phát (Hà Nội) cũng thuê 8ha đất bãi ngoài đê thuộc thôn Huề Đông (xã Đại Lai) liên kết với Tập đoàn CP chăn nuôi lợn thịt. Hiện, dự án đang trong giai đoạn cải tạo mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích 5.000m2, dự kiến bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014…

Bên cạnh việc xây dựng, triển khai, thực hiện các mô hình chăn nuôi tập trung, huyện Gia Bình còn phối hợp với Chi cục Thuỷ sản và Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh) tiến hành khảo sát, lập dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng 2 khu nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi tại thôn Hương Triện (xã Nhân Thắng) và bãi Gia Phú (xã Bình Dương), dự kiến triển khai trong năm 2013. Huyện cũng đề nghị tỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng 1 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại khu vực chuyển dịch của thôn Cầu Đào (xã Nhân Thắng), dự kiến triển khai vào đầu năm 2014.

Theo quy hoạch, huyện Gia Bình tập trung xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung, trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hoá, tách khỏi khu dân cư; kết hợp chăn nuôi với nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả theo mô hình VAC, trong đó xây dựng 3 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tại 3 vùng trọng điểm Nhân Thắng, Bình Dương, Quỳnh Phú.

Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm tập trung tại các khu chuyển dịch, với diện tích 35 - 40ha, nhằm đưa tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi gia cầm bình quân từ 9 - 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt khoảng 750.000 con và có dưới 20% số hộ chăn nuôi gia cầm trong khu dân cư.

Tập trung phát triển đàn bò theo hướng Sind hoá để nâng cao năng suất thịt với diện tích quy hoạch khoảng 170 - 200ha đất bãi và đồng cỏ ven đê thuộc các xã Song Giang, Giang Sơn, Thái Bảo, Đại Lai, Vạn Ninh, Cao Đức. Phấn đấu đến năm 2015, tổng đàn bò của huyện đạt từ 7.000 con trở lên, có 50 trang trại chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản, có từ 1-2 cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung tại các xã ven đê.

Ngoài việc phát triển đàn lợn, đàn gia cầm, đàn bò thịt, Gia Bình tiếp tục chỉ đạo đưa một số vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như dê, hươu, thỏ, nhím, lợn rừng…, với diện tích 70ha, tập trung ở những nơi có diện tích đất đồi và đồng cỏ ven đê như Du Tràng (Giang Sơn); Yên Việt, Bảo Tháp, Hiệp Sơn (Đông Cứu); An Quang (Lãng Ngâm); Kênh Phố, Mỹ Lộc (Cao Đức)…

Phan Tuân

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn