Giá dưa hấu tăng vụt
- Thứ bảy - 19/04/2014 05:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo kinh nghiệm những người có thâm niên trồng dưa hấu, kể từ nay đến đầu tháng 4 âm lịch dưa sẽ còn tăng giá, vì nguồn dưa tại các địa phương đã dần cạn, trong khi thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn còn ăn mạnh. Điều này cho thấy nếu tránh được cảnh thu hoạch ùn ứ, hoặc chỉ cần bảo quản sau thu hoạch tốt 2-3 tuần thì dưa hấu sẽ không mất giá, cứu thua cho người trồng dưa hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu dưa hấu khắp các địa phương trong cả nước bán sang thị trường Trung Quốc, cho biết: “Thời điểm những xe chở dưa hấu đi dồn dập, bị kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh, phải đến cả chục ngày mới bán được thì khi ấy, một phần dưa bị dồn ứ, một phần dưa đã héo cuống nên phải bán giá rẻ.
Bây giờ, các địa phương gần như đã thu hoạch cạn dưa nên không còn tình trạng xe dưa ùn ứ, chỉ đi 2 ngày là sang đến bãi bán, lượng dưa nhập vào Trung Quốc ít đi và còn tươi nên bán được giá cao. Hiện Trung Quốc đang thu mua dưa hấu của Việt Nam với giá 3,5 NDT/kg, quy ra tiền Việt gần 12.000 đồng/kg”.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mua bán dưa hấu sang Trung Quốc, ông Chiến cho biết thêm: Hàng năm, Gia Lai là địa phương thu hoạch dưa hấu đầu tiên; vào tháng 11, tháng Chạp là nhiều địa phương ở tỉnh này đã có dưa bán, Phú Bổn là địa phương cuối cùng của tỉnh này thu hoạch dưa hấu. Cùng lúc với Gia Lai, những vùng dưa hấu ở tỉnh Bình Thuận cũng thu hoạch ào ạt. Tiếp đến, các tỉnh Phú Yên và Bình Định thu hoạch rộ cùng lúc.
Đến đầu tháng 2 âm lịch thì các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam hái dưa đồng loạt. Điều này chứng tỏ người trồng dưa ở khắp nơi không biết có hẹn hò với nhau gì hay không, mà hầu như xuống giống đồng loạt, do đó mới có chuyện thu hoạch cùng lúc như vậy để gây nên tình trạng ứ hàng như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua!?
Về vấn đề này, ông Trần Tiến Lãng, cố vấn kỹ thuật Cty TNHH-TM Trang Nông, một người đã nhiều năm gắn bó với cây dưa hấu, cho biết: “Các vùng trồng dưa ở Nam bộ đã thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán, còn vùng Bắc Trung bộ thời tiết rét không xuống giống sớm được.
Tại Trung Quốc thì vì quãng thời gian trước Tết thời tiết cực kỳ giá rét càng không thể trồng dưa, do đó vào thời điểm sau Tết phải nhập dưa của Việt Nam. Từ thực tế trên, người trồng canh vào thời điểm sau Tết phải có dưa thu hoạch nên xuống giống đồng loạt như vậy”.
Ông Lê Đình Chiến giải thích thêm: “Hàng năm, Trung Quốc bắt đầu nhập dưa hấu của Việt Nam từ đầu tháng 11 âm lịch năm trước kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch năm sau. Sau đó dưa hấu bên Trung Quốc bắt đầu thu hoạch nên không nhập dưa Việt Nam nữa.
Do đó, để tranh thủ có dưa thu hoạch trong thời điểm Trung Quốc ăn mạnh bán được giá cao, nên sau mùa mưa của miền Trung, địa phương nào thời tiết ấm trước là người trồng dưa lập tức xuống giống. Hiện nay, tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương dưa hấu mới đang ra bông, cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch mới thu hoạch, thời điểm này Trung Quốc đã hết nhập dưa nên những trà dưa này chỉ bán nội địa”.
Chuyện dưa hấu bị ùn ứ dẫn tới ế ẩm không phải chuyện mới mẻ gì, thế nhưng do loại cây trồng này có đầu ra không chắc chắn, lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc nên các địa phương không khuyến khích nông dân trồng; mà khi đã không đưa vào cơ cấu cây trồng thì không quan tâm, thậm chí có nhiều tỉnh không biết diện tích trồng dưa trên địa bàn có bao nhiêu ha. Cây dưa và người trồng dưa đang bị ngành chức năng thả nổi.
Dẫu cây dưa hấu không được khuyến khích trồng nhưng thực tế cho thấy không loại cây trồng nào lãi cao bằng dưa, nông dân thấy cây nào có lãi thì trồng, chỉ có điều nếu tắc đầu ra lại cũng không cây nào gây lỗ nặng bằng cây dưa. Cây dưa hấu đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân là vậy.
Do đó, nên chăng đã đến lúc ngành chức năng của các tỉnh có phong trào trồng dưa hấu mạnh cần ngồi lại với nhau, bàn bạc, thành lập nên các hội, ví như “Hội những người trồng dưa hấu” như ông Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Ngọc Hùng từng đề xuất. Hội này có chức năng phân chia thời vụ cho người trồng dưa ở các địa phương để tránh thu hoạch đồng loạt gây ùn ứ sản phẩm. Có như vậy thì cây dưa hấu mới có thể phát triển bền vững, và người trồng dưa sẽ tránh được thiệt hại đáng tiếc!
Ngoài việc phân chia thời vụ thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cần phải nghiêm túc đặt ra. Bởi, chưa nói cần đến kho lạnh bảo quản dưa hàng tháng, chỉ cần bảo quản bằng các phương pháp thông dụng, rẻ tiền như bao gói khí điều biến; chế phẩm phủ màng... cũng đủ sức giữ dưa hấu tươi nguyên 2-3 tuần đến 1 tháng, giúp điều tiết giá cả, giảm thiệt hại rất lớn cho người trồng dưa. |
Theo NNVN