Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604 nghìn tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Indonesia, Iraq, Malaysia, Hoa Kỳ,...
Đáng chú ý, trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ (410 USD/tấn) và Thái Lan (435 USD/tấn).
Theo một số chuyên gia trong ngành, giá gạo Việt vượt Thái Lan, Ấn Độ được cho là chuyện hiếm có. Bởi, dù được coi là thế mạnh số một của Việt Nam trong nhiều năm qua, song, gạo Việt vẫn luôn lép vế trước các đối thủ Thái Lan và Ấn Độ cả về giá và chất lượng.
Không chỉ vậy, trong nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, dù xuất khẩu gạo nằm trong top đầu thế giới, nhưng gạo Việt không có thương hiệu. Và nếu so sánh về vấn đề này thì chúng ta đi sau Thái Lan cả trăm năm.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mấy tháng đầu năm nay, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Nổi bật nhất là mặt hàng lúa gạo “được mùa, được giá” với giá trị xuất khẩu tăng mạnh.
Bên cạnh giá trị tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 - là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm qua - cao hơn sản phẩm gạo cùng loại của Ấn Độ (404-408 USD/tấn), cao hơn đối thủ Thái Lan (435-440 USD/tấn).
Theo Thứ trưởng Tuấn, giá gạo Việt xuất khẩu ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng nhiều, chiếm đến 80%.
Xoài Việt Nam sẽ có cơ hội vào thị trường Hoa Kỳ
Sáng 26/6 tại Thủ đô Washington D.C. (Hoa Kỳ), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi gặp gỡ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Stephen Censky.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ký kết Thỏa thuận khung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; tăng cường hợp tác về nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các dự án nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất phát thải thấp trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng có nguy cơ tổn thương cao như ở Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu xoài của Việt Nam và xem xét nhập khẩu thêm các hoa quả khác, trước mắt là bưởi.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Stephen Censky cảm ơn sự quan tâm của Phó Thủ tướng trong việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Đồng thời, cho biết Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nhập khẩu vú sữa, đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để nhập khẩu xoài và sẽ xem xét tích cực các điều kiện nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam xem xét nhập khẩu các hoa quả của Hoa Kỳ như quả việt quất và các loại hoa quả có múi khác.
Tôm truy xuất nguồn gốc có giá cao
Theo nguồn tin từ một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL đã ký hợp đồng xuất khẩu mới, mở cửa thu mua tôm nguyên liệu, trong những ngày cuối tháng 6, thị trường tôm thẻ đang có dấu hiệu tăng giá nhẹ khoảng 10% so với đầu tháng. Đặc biệt tôm tươi được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm (không nhiễm kháng sinh) đạt chất lượng tốt được thu mua mức giá giá cao nhất (mức giá căn cứ theo hàm lượng ẩm - độ tươi của tôm, tôm ngâm nước ít hay nhiều).
So sánh giá niêm yết thu mua tôm giữa các nhà máy chế biến thủy sản tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không có sự chênh lệch nhiều. Tôm thẻ cỡ 100 con/kg khoảng 72.000 - 90.000 đồng, cỡ 70 con/kg giá 89.000 - 104.000 đồng, cỡ 60 con/kg giá 93.000 - 108.000 đồng, cỡ 50 con/kg giá 101.000 - 113.000 đồng, cỡ 40 con/kg giá 109.000 - 116.000 đồng và 30 con/kg giá 138.000 - 153.000 đồng.
Riêng ở Sóc Trăng, tôm thẻ cỡ 100 con nuôi ao bạt có màu sắc đẹp, bán tại ao 80.000 - 90.000 đồng, so với nuôi tôm ao trong đất giá 75.000 - 80.000 đồng.
Người dân Quảng Nam khốn đốn vì bí đao rớt giá thê thảm
Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch của những hộ dân trồng bí đao ở Quảng Nam, trong đó hai xã Duy Phước (Duy Xuyên) và xã Cẩm Kim (TP Hội An) có diện tích trồng lớn. Tại các vườn không còn tấp nập người mua kẻ bán như những năm trước.
Ông Lê Đại Nam (44 tuổi, trú thôn Triều Châu, xã Duy Phước) cho biết, năm nay gia đình ông trồng 2 sào bí đao, trung bình 1 sào cho thu hoạch được từ 3 – 3,5 tấn. Hiện giá rớt chỉ còn 1.500 đồng/kg nhưng cũng không có thương lái tới hỏi mua.
Theo bà Huỳnh Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, trên địa bàn xã có hơn 20 hộ dân trồng bí đao trên diện tích khoảng 15ha. “Cây đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái hỏi mua do đó bà con hái chất thành đống hoặc đem ra chợ bán mong thu hồi lại chút vốn. Chính quyền xã đang tìm cố gắng liên hệ để tìm các nguồn thu mua cho bà con”, bà Hường cho biết.
Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm diễn ra hôm nay (28/6) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, 6 tháng đầu năm, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây với mức tăng 4%. Giá trị xuất khẩu nông, lâm thủy sản tăng trưởng 4,2%, tăng 12%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,4 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng nông sản là điểm sáng của ngành như: gạo, lâm sản và các sản phẩm ngoài gỗ, rau quả… Đây là tiền đề, tạo đà để nông nghiệp hướng đến mục tiêu cả năm đạt mức tăng trưởng 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, độ che phủ rừng đạt 41,65%...
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó quyết liệt chỉ đạo sản xuất các ngành hàng theo chuỗi giá trị, chủ động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, bám sát các mục tiêu tăng trưởng và điều chỉnh kịp thời với các kịch bản ứng phó với thiên tai và thị trường. Với hơn 4 tỷ USD xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lâm nghiệp là ngành có kim ngạch và giá trị xuất siêu đứng đầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu./.