Giá hàng hóa vẫn ổn định?

Giá hàng hóa vẫn ổn định?
Trước tình hình giá xăng dầu tăng liên tục, một số doanh nghiệp cho biết tuy có tác động đến chi phí vận chuyển nhưng vẫn trong giới hạn cho phép, chưa ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất, kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, cạnh tranh trong tất cả lĩnh vực đang rất gay gắt, không phải là thời điểm thuận lợi để tính toán việc điều chỉnh giá.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT HTX Anh Đào (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), tính toán phí xăng dầu chiếm khoảng 25% tổng chi phí vận chuyển. Với đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất, phí xăng dầu tăng thêm khoảng 6% trong tổng chi phí vận chuyển nhưng chỉ tăng khoảng 2% tổng giá thành. Không riêng gì HTX Anh Đào mà các HTX, doanh nghiệp bán hàng từ Đà Lạt về TP HCM đều chưa nghĩ tới chuyện tăng giá lúc này hay điều chỉnh giá bán trong thời gian tới.

"Thị trường đang cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, hàng hóa nên sẽ không ai dám mạo hiểm tăng giá. Riêng nông sản, từ nay đến cuối năm dự báo sẽ có khoảng 4-5 cơn bão. Nếu bị ảnh hưởng bởi bão lũ làm rau củ hư hại, giảm sản lượng thì giá bán mới tăng" - ông Thừa dự đoán.

Giá hàng hóa vẫn ổn định? - Ảnh 1.

Giá nông sản chưa có biến động sau khi giá xăng dầu tăngẢnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng giá xăng tăng không nhiều thì ít có tác động đến giá thành của các lĩnh vực khác. Thị trường hàng hóa sẽ không có phản ứng ngay lập tức mà phải có độ trễ, ít nhất 15-30 ngày sau khi giá xăng tăng. Tuy nhiên, tăng giá xăng lúc này không có nghĩa là giá hàng hóa sẽ tăng theo vì còn tùy thuộc sự thương lượng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bán lẻ. Trong bối cảnh hàng hóa dồi dào, TP HCM đang tổ chức tháng khuyến mãi, các hệ thống bán lẻ đang đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá để kích cầu thì khả năng chấp nhận điều chỉnh tăng giá sẽ rất thấp.

Theo nhận định của ông Đỗ Lương Đại Nam, quản lý chuỗi cửa hàng Công ty TNHH SWOT Việt Nam (chuyên phát triển mô hình cửa hàng rau an toàn, rau hữu cơ giá chợ), nhìn bề nổi có thể thấy rau ôn đới (trồng từ Lâm Đồng) sẽ bị tác động hơn rau nhiệt đới (sản xuất từ huyện Hóc Môn, Củ Chi ở TP HCM và các tỉnh miền Tây) do vận chuyển xa. Tuy nhiên, giá nông sản lại không phụ thuộc vào giá thành mà theo thị trường, mùa vụ. Nhìn vào rổ chỉ giá tiêu dùng từ năm 2014 đến nay, nhóm hàng này đứng yên, lạm phát rơi vào các mặt hàng khác. Điều này tất yếu khiến nông dân sản xuất bị thua thiệt khi chi phí đầu vào tăng, chi phí đời sống tăng nhưng giá nông sản lại đứng yên. Xét về vĩ mô thì giá xăng tăng, nông dân càng thêm khó.

 

Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh/nld.com.vn