Giá heo hơi hôm nay 17/8: Bộ NN&PTNT vẫn "nợ" Chính phủ kịch bản giá lợn?
- Thứ năm - 16/08/2018 19:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay vẫn có lợi, người dân rục rịch tái đàn
Theo ghi nhận, tại Hưng Yên, giá heo hơi hiện đạt mức cao nhất 53.500 đồng/kg; Hà Nội dao động từ 51.000 - 53.000 đồng/kg; Bắc Giang, Tuyên Quang 52.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc giá lợn hơi hiện dao động trong khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg đối với lợn siêu xuất tại trại.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 17/8 ít biến động, giá tuy thấp hơn so với cuối tháng 7 song hầu hết các địa phương vẫn đạt trên 50.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Do giá lợn hơi liên tục duy trì mức cao nên ở một số nơi, bà con nông dân đã tái đàn. Ghi nhận tại xã Hoàng Tây (Kim Bảng, Hà Nam) cho thấy, hiện đàn lợn của xã đã đạt gần 9.000 con, bằng 70% tổng đàn giai đoạn cao điểm giữa năm 2016. Nhiều hộ gia đình trước đây để trống chuồng hoặc giảm số đầu lợn khi giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp, nay đang quay lại chăn nuôi.
Hiện giá lợn hơi tại Hà Nam dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg; giá lợn giống tại các trại bán ra khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/con; lợn giống được sản xuất tại các công ty cao hơn từ 100 - 200 nghìn đồng/con cùng trọng lượng.
Đại diện Công ty Dabaco Hà Nam cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây nhu cầu mua lợn giống của người dân tăng lên. Lượng lợn giống doanh nghiệp xuất bán tăng lên khá nhiều so với cuối năm 2017 và mấy tháng đầu năm 2018, trung bình mỗi tháng bán khoảng 2.000 lợn giống cho người dân và doanh nghiệp.
Ở các tỉnh phía Nam, hiện giá heo hơi duy trì tương đối ổn định, đạt bình quân từ 49.000 - 51.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, do giá heo hơi liên tục tăng cao từ tháng 4 đến nay nên đã kích thích người chăn nuôi heo phát triển đàn. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 2,25 triệu con, tăng hơn 110.000 con so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tổng đàn heo tăng nhiều đa số thuộc các trang trại nuôi gia công cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty C.P.
Công nhân tắm cho đàn lợn tại HTX nông nghiệp sạch V3M, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: baohanam
Bộ Nông nghiệp vẫn "nợ" Chính phủ một kịch bản giá heo?
Còn nhớ tại phiên họp cuối năm 2017 đánh giá về công tác điều hành giá, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề nghị Bộ NN&PTNT không chủ quan về giá thịt lợn với trường hợp thiếu hụt nguồn cung vào quý II/2018.
Phó Thủ tướng cho rằng giá thịt lợn có thể sẽ không tăng vào dịp Tết nguyên đán mà có thể tăng vào quý II/2018, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp điều hành ngay. Tuy nhiên, đến cuộc họp tháng 7/2018, khi Phó Thủ tướng hỏi về kịch bản điều hành, kiểm soát giá lợn, ổn định sản xuất thì đại diện Bộ NN&PTNT không đưa ra được.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ NN&PTNT phải thận trọng, chưa cho tái đàn ồ ạt, làm người nuôi thua thiệt. Cần tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm, bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng như các mặt hàng khác.
"Bộ NN&PTNT phải nói rõ kịch bản của các đồng chí ra sao? Tổng đàn lợn hiện nay ra sao, tổng lượng thịt cung như thế nào thì công bố rõ để người dân biết. Chúng ta đảm bảo có lời cho người dân nhưng cũng không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô" - Phó Thủ tướng nói.
Từ đó đến nay, mặc dù Bộ NN&PTNT đã có công văn số 5693 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thống kê và có giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn; yêu cầu các tỉnh, TP rà soát số lượng đàn nái, đàn lợn thịt... nhưng vẫn chưa có một con số chính thức, đủ tin cậy về tổng đàn lợn cả nước.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã đưa ra dự báo rằng thời gian tới giá lợn hơi sẽ hạ nhiệt so với mức giá hiện tại, tuy nhiên trục giá 45.000 - 50.000 đồng có thể còn được duy trì đến sau Tết Âm lịch 2019. Đây là cơ hội tốt để người chăn nuôi lợn gỡ lại phần nào thua lỗ lớn kéo dài gần 2 năm qua cũng như có nguồn vốn để tái đầu tư. Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, khủng hoảng giá lợn kéo dài gần 2 năm qua khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ giảm rất mạnh, song khu vực trang trại, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng. Cụ thể, Dabaco Việt Nam tăng 21% đàn nái, C.P tăng 9%, CJ Vina tăng 27%... |