Giá heo hơi hôm nay 8/7: Giá lợn hơi liên tiếp lập "đỉnh" mới, nhiều hộ mạnh tay tái đàn

Giá heo hơi hôm nay 8/7: Giá lợn hơi liên tiếp lập "đỉnh" mới, nhiều hộ mạnh tay tái đàn
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, từ đầu tháng 7 đến nay, bất chấp thời tiết nắng nóng cao điểm, giá lợn tại các tỉnh phía Bắc đã tăng lên mức 52.000-53.000 đồng/kg. Tương tự, các tỉnh miền Trung, miền Nam, giá heo hơi cũng tăng ở nhiều địa phương, thương lái thu mua phổ biến từ 47.000-50.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay (lợn hơi) 8/7 giữ cao kỷ lục trong 2 năm qua

Trong nhiều ngày liên tiếp, giá heo hơi tại nhiều tỉnh thành phía Bắc tăng từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg. Mức tăng này không đồng loạt diễn ra ở các tỉnh mà tăng rải rác, cục bộ, trong đó tăng cao nhất ở những nơi khan hiếm heo thịt. Hiện tại, mức giá cao nhất mà các thương lái miền Bắc trả giá là 53.000 đồng/kg, ghi nhận được ở Bắc Giang, Ninh Bình.

 gia heo hoi hom nay 8/7: gia lon hoi lien tiep lap 'dinh' moi, nhieu ho manh tay tai dan hinh anh 1

Kiểm tra heo giống tại một trại chuyên cung cấp heo giống ở Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Tại Hà Nội, giá lợn hơi loại đẹp hiện cũng đã lên tới mức 51.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng 6. Tại địa bàn Hải Dương, Thanh Hoá thương lái cũng thu mua ở mức cao, đạt 52.000 đồng/kg; tại thủ phủ nuôi lợn miền Bắc là Hà Nam, giá heo hơi hôm nay đạt 50.000 đồng/kg

Tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thị trường heo hơi cũng có một số biến động. Trong đó ngày 7/7, giá heo hơi tại tỉnh Quảng Ngãi đã đạt 48.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với trước đó 2 ngày. 

Ngoài ra, Lâm Đồng cũng là địa phương có mức tăng tương ứng là 2.000 đồng/kg từ 45.000 đồng/kg lên 47.000 đồng/kg. Tại phía Nam, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, giá heo hơi hiện đang dao động phổ biến từ 47.000 - 49.000 đồng/kg đối với heo hơi có trọng lượng trên 100kg. 

Anh Nguyễn Văn Đông (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết với quy mô trang trại trên 2.000 con heo, hai năm qua gia đình anh cực kỳ khó khăn do giá heo giảm sâu dưới giá thành, có những lúc tưởng phải bán trại trả nợ.

Sau khi giảm số heo nái chất lượng kém để giảm đàn, đến nay tình hình đã ổn định trở lại và gia đình anh tiếp tục cho heo nái sinh sản để nuôi các lứa heo thịt kế tiếp.

"Đặc điểm của các trang trại lớn là họ tự cung cấp được heo giống, nên tổng đàn tăng lên không quá nhanh. Nhưng có một số trại nuôi thấy giá đang ở mức hấp dẫn đã mua thêm heo giống bên ngoài về thả, nên giá heo giống tăng cao" - anh Đông cho biết.

Tương tự, sau thời gian dài nuôi cầm chừng vì giá lợn hơi xuống đáy, gần đây, khi giá lợn hơi tăng mạnh, ông Phạm Văn Cảnh (tổ dân phố 5, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) quyết định tăng cả đàn lợn nái và đàn lợn thịt.

Ông Cảnh cho biết, năm 2017, gia đình ông đầu tư 100 lợn nái, 1.000 lợn thịt, do giá xuống đáy nên gia đình thua lỗ rất lớn. Tuy vậy, từ tháng 5/2018 giá lợn hơi và lợn giống tăng mạnh, sẵn có chuồng trại gia đình ông đã mạnh dạn tăng đàn hiện trong chuồng đã có 300 con lợn nái và 1.500 con lợn thịt.

Nếu giá cả vẫn giữ như hiện nay thì sau 4 tháng đầu tư chăm sóc đàn lợn thịt sẽ cho thu lãi hàng trăm triệu đồng, thêm vào đó lợn giống cũng cho thu nhập không kém.

Trong khi đó, vài ngày trước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết nhu cầu heo giống  trên địa bàn tăng lên trong 2 tháng qua là rõ ràng, điều đó cho thấy nhiều trang trại chăn nuôi đã bắt đầu khôi phục đàn heo, thậm chí tái đàn, tăng đàn so với trước. 

Tuy nhiên, ông Công cũng cảnh báo người dân hết sức thận trọng khi đầu tư chăn nuôi, bởi giá cả tương lai là điều không ai có thể biết chắc. Trước mắt bà con nên tập trung chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành và tăng cường liên kết lẫn nhau. 

Liên tục phát hiện heo Trung Quốc "tuồn" vào Việt Nam tiêu thụ

Liên tiếp thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều xe tải vận chuyển lợn hơi, lợn giống và thịt lợn từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.

Cụ thể, ngày 3.7, Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn phối hợp với công an huyện Đình Lập (Lạng Sơn) phát hiện 2 xe ôtô BKS 12C-050.46 và 12C-074.54 vận chuyển 18 con lợn thịt, tổng trọng lượng hơn 3 tấn nhập lậu từ hướng biên giới xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) về tiêu thụ tại các tỉnh khác.

 gia heo hoi hom nay 8/7: gia lon hoi lien tiep lap 'dinh' moi, nhieu ho manh tay tai dan hinh anh 2

Đồn Biên phòng Bắc Sơn chốt chặn và bắt giữ 1 phương tiện xe ôtô tải BKS 14C-16756 chở 8 con lợn, tổng trọng lượng 1 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: Cổng TTĐT Móng Cái.

Chủ số hàng trên là ông Lộc Văn Xuân (trú tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập) và ông Trần Văn Hải (trú tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã khai nhận là toàn bộ số lợn sống trên được mua của một số người dân Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn biên giới về Việt Nam.

Cũng trong đầu tháng 6, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ một xe ôtô vận chuyển 13 con lợn, mỗi con có trọng lượng rất lớn, trên tai đều đeo thẻ mã số bằng chữ Trung Quốc. Chủ hàng cho biết, tổng đàn lợn khoảng 1,5 tấn này được vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.

Trao đổi với báo chí, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương nói: Gần 2 năm trời chúng ta ăn thịt lợn với giá gần như trong nhóm giá lợn rẻ nhất thế giới, nông dân điêu đứng vì thua lỗ. Nay giá thịt lợn vừa tăng cao đủ để nông dân có lãi thì lại xảy ra tình trạng lợn từ Trung Quốc được xuất khẩu sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

“Đây là hành động nguy hiểm đối với chăn nuôi trong nước bởi lợn nhập lậu vào nước ta rất khó kiểm soát về chất lượng và có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - ông Dương nhấn mạnh. 

Khởi công nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm lớn nhất Việt Nam

Chiều 6/7, tại xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp nước Cộng hoà Hungary và UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp khởi công xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm Viet Avis. Đây là nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu hiện đại nhất Việt Nam đến thời điểm này. 

Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 60.000 m2 tại xã Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hoá) với đầy đủ các khu giết mổ, chế biến, phân loại, xử lý, đóng gói sản phẩm, xử lý chất thải… và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 300 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành đi vào sử dụng, công suất chế biến giai đoạn 1 của nhà máy đạt 2.500 con/giờ.

Theo lộ trình trình liên kết giai đoạn 2018 – 2020, tại Thanh Hoá sẽ có khoảng 100 trang trại ở 10 huyện trên địa bàn liên kết cung cấp 12-14 triệu con gà phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Các sản phẩm sau khi chế biến sẽ xuất khẩu sang thị trường các nước EU và châu Âu. 

Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia (Thanh Hoá) sẽ phối hợp với Tập đoàn Matster Good (Hungary) đầu tư chuỗi giá trị liên kết từ con giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, xuất khẩu với công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Đặc biệt, gà nguyên liệu cho Nhà máy được nuôi theo công nghệ 4A: an toàn đầu tư, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường. 


Theo danviet.vn