Giá heo (lợn) hôm nay 30.11: Lãi 1.000 đ/kg, công ty FDI không ngừng tăng đàn còn hộ nuôi lỗ nặng 10.000 đ/kg
- Thứ tư - 29/11/2017 17:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong báo cáo tổng kết tình hình phát triển chăn nuôi mà Sở NNPTNT Đồng Nai gửi đi ngày 29.11, gà màu và gà trắng bán ra vẫn lời từ 1.000 – 11.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá gà lông màu từ 35.000 - 37.000 đồng/kg (giá thành 34.000 đồng/kg). Với giá bán dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, gà trắng nuôi tại trang trại tư nhân lời từ 5.600 – 7.6000 đồng/kg (giá thành 22.400 đồng/kg). Cùng giá bán đó, gà trắng nuôi tại các công ty FDI lời 9.000 - 11.000 đồng/kg do giá thành chỉ 19.000 đồng/kg.
Giai đoạn cuối năm chỉ có chăn nuôi gà có lời. Ảnh Nguyên Vỹ
Các công ty FDI tiếp tục chiếm lợi thế trong chăn nuôi lợn dù giá lợn hơi (heo hơi) bán ra chỉ giúp các doanh nghiệp lời từ 1.000 đồng/kg đến hòa vốn. Còn lại, các loại hình chăn nuôi khác đều thua lỗ. Thiệt hại nặng nhất thuộc về hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mức lỗ từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Trên cơ sở khảo sát mức giá thị trường vào ngày 22.11, báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Nai cho thấy có sự khác biệt từ giá thành cho tới giá bán của 3 loại hình chăn nuôi: nông hộ, trang trại và công ty FDI.
Giá thành chăn nuôi của các công ty FDI giao động từ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Giá thành của trang trại dùng thức ăn tự trộn là 29.500 đồng/kg, còn cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là 32.500 đồng/kg. Giá thành của nông hộ là cao nhất: 34.000 đồng/kg.
Ngành chăn nuôi heo thua lỗ nặng do giá heo hơi liên tục ở mức thấp suốt thời gian dài, đặc biệt ở loại hình nông hộ nhỏ lẻ. ảnh Nguyên Vỹ
Ngược lại, giá lợn hơi bán ra thị trường của nông hộ là thấp nhất, chỉ 24.000 - 26.000 đồng/kg, chịu lỗ từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Cũng trong cùng ngày khảo sát giá, lợn nuôi từ trang trại bán ra giao động từ 26.000 - 28.000 đồng/kg. Chỉ có lợn của các công ty FDI ổn định ở ngưỡng cao nhất là 28.000 đồng/kg, tức là lời từ 1.000 đồng đến huề vốn.
Theo ông Nguyễn Duy Khánh, hộ chăn nuôi lợn ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) mô hình chăn nuôi lợn tại các công ty FDI có chi phí đầu vào thấp; thức ăn, giống, thuốc thú y đều do công ty tự sản xuất hay mua với số lượng lớn nên giá rẻ.
“Con giống của công ty cũng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu thị trường nên giá bán thường cao hơn giá lợn sản xuất nhỏ lẻ 2 giá (cao hơn 2.000 đ/kg heo hơi)”, ông Khánh nói.
Giá thành, giá bán một số loại hình chăn nuôi cơ bản Ảnh Nguyên Vỹ.
Ngoài ra, theo Sở NNPTNT Đồng Nai, quy trình chăn nuôi tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng và kiểm soát tốt các khâu phòng dịch, chăm sóc và lượng thức ăn nên giảm tỷ lệ bệnh, chết. Chuồng trại cũng được đầu tư nuôi chuồng kín, giúp heo phát triển và tăng trọng tốt.
Theo đánh giá của ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc sở NNPTNT Đồng Nai, năng lực cạnh tranh của đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ và tư nhân thấp. Hiện giá heo hơi của loại hình chăn nuôi này đang dưới mức giá thành sản xuất.
Trong khi chăn nuôi trang trại chiếm ưu thế, các công ty chăn nuôi lớn tiếp tục tăng đàn, mở rộng hệ thống gia công thì đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ đang và có nguy cơ thu hẹp, chuyển sang gia công cho thuê chuồng trại, hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.
Tình hình chăn nuôi ảm đạm khiến việc tăng đàn không còn rầm rộ như mọi năm. Ảnh Nguyên Vỹ
Cũng theo báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Nai, tổng đàn lợn vẫn phát triển, thị trường tiêu thụ vẫn ổn định. Trung bình mỗi ngày Đồng Nai vẫn xuất bán từ 8.000 – 9.000 con lợn mặc dù hiện nay giá bán vẫn thấp hơn giá thành.
Tính đến thời điểm tháng 10.2017, tổng đàn heo của tỉnh này đạt gần 1,98 triệu con; trong đó đàn heo nái khoảng 287.000 con, chăn nuôi trang trại chiếm 75,25%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 24,75% tổng đàn.
Hình thức liên kết gia công cho các công ty chăn nuôi lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng. Với chăn nuôi gà, các công ty FDI chiếm 40,5% tổng đàn gà cả tỉnh. Đối với chăn nuôi heo, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chiếm 36,4%, CJ Vina chiếm 8,12%, Japfa chiếm 7,79%, Sunjin chiếm 0,83% tổng đản heo cả tỉnh. |