Giá lợn hơi tăng cao, nhà nông lúng túng "cầm vàng lội qua sông"
- Thứ năm - 09/08/2018 10:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mù mờ “chạy” theo doanh nghiệp lớn
Hiện giá lợn hơi vẫn ở mức cao nhưng theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người chăn nuôi lợn rất lo lắng, băn khoăn không biết có nên tái đàn, hay tăng đàn. Mặc dù thông tin từ thị trường và Bộ NNPTNT đều khẳng định giá lợn hơi tăng cao do nguồn cung khan hiếm, nhưng không ai dám chắc mức giá cao có thể giữ được trong bao lâu, trong khi đó giá con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đã đồng loạt tăng theo.
Nông hộ cần những định hướng rõ ràng hơn về thị trường cho nghề chăn nuôi. Ảnh: Đ.T
Theo ông Trần Văn Quang, công tác thống kê vẫn tồn tại nhiều điểm yếu từ lâu nay trong ngành. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo Cục Thống kê tỉnh phối hợp các sở ngành liên quan rà soát cách thu thập thông tin, thống kê số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. |
Chỉ trong hơn 2 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tới 6 lần. Bà Nguyễn Thị Thủy - hộ chăn nuôi lợn tại xã Quang Trung (huyện Thống nhất, tỉnh Đồng Nai), cho biết, so với thời điểm cuối tháng 5, hiện giá mỗi bao thức ăn loại 25kg đã tăng thêm 30.000 đồng. Như vậy, giá thành thức ăn cho một con lợn khi xuất chuồng (100kg) cũng tăng thêm khoảng 300.000 đồng.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, tổng đàn lợn hiện có tăng nhưng chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn với người chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tái đàn diễn ra hết sức dè dặt.
“Nếu bình ổn giá đến cuối năm, ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg thì không sao, nhưng nếu giảm xuống dưới mức 35.000 đồng/kg thì có thể lại tái diễn chuyện giải cứu như hồi năm 2016 - 2017. Mà lợn giống hiện hơn 1 triệu đồng/con nên người nào có vốn để mua cám mới dám nhập” - bà Nguyễn Thị Thủy nói.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Trung - chủ hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng, do mù mờ thông tin về nguồn cung và không nắm được quy luật thị trường, nên nhiều nông dân nương theo xu hướng của doanh nghiệp.
“Nhưng thấy giá đang cao mà chạy đua theo tăng đàn thì chẳng khác nào “cầm vàng mà lội qua sông”. Bây giờ nông hộ muốn gây lại đàn quy mô lớn cũng phải trông ngóng nhiều bề, phải biết có đủ sức để bơi từ bờ này tới bờ bên kia hay không. Giữa dòng nếu gặp sự cố liệu có ai ném phao cho hay không?” - ông Trung băn khoăn.
Cụ thể, theo ông Trung, nếu thấy lợn giá cao rồi cứ nhập về nuôi mà lượng vốn chỉ đáp ứng 30 - 40% thì khi giá quay đầu giảm, nông hộ sẽ rất dễ gặp sự cố.
“Lỗ hổng” từ thống kê, dự báo nhu cầu
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn cả nước trong tháng 6 giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ, sang tháng 7 tổng đàn lợn giảm 2,8% so với cùng kỳ. Nhiều người nhận định, con số này không lớn đến mức khiến thị trường thịt lợn thiếu hụt trầm trọng, làm giá lợn tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn.
Giá heo hơi hiện đang tăng cao, nhiều nông hộ đã rậm rịch tìm cách tái đàn nhưng vẫn không hết băn khoăn, lo lắng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng số đàn lợn phải giảm nhiều hơn thế, có thể gấp 3 lần.
“Muốn chính xác, phải đi xuống các tỉnh, xuống các trang trại, nông hộ thống kê ghi nhận thì mới có con số sát với thực tế được. Chính vì thống kê sai số quá lớn, đã dẫn tới việc điều tiết thị trường không chuẩn, không hiệu quả” - ông Trúc nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, thực tế là trong công tác thống kê không ai đi đếm từng đầu con. Phương pháp hiện nay vẫn là chọn mẫu điều tra rồi nhân lên. Việc thống kê lại mang tính thời điểm trong khi tổng đàn phát triển và dao động liên tục. Việc biến động nhanh hay chậm lại tùy thuộc vào giá thị trường; giá tăng thì tổng đàn tăng...
Cách tính từ khối lượng thức ăn quy ra đầu con cũng chỉ tương đối, bởi tượng tiêu thụ của mỗi loại gia súc gia cầm khác nhau. Ngay trong đàn lợn, con nái hậu bị tiêu thụ khác, con nái mang thai tiêu thụ khác, con nái đang nuôi con lại khác… Như thế, quy thức ăn ra đầu con cũng không thể tính được chính xác cơ cấu đàn.
“Con số thống kê mặc dù mang tính pháp lý nhưng vẫn có sự chênh lệch nhất định với con số thực tế. Đây chính là bất cập trong công tác quản lý ngành chăn nuôi hiện nay” - ông Quang giải thích.
Trong khi đó, mong muốn của bất cứ người chăn nuôi nào cũng là ổn định sản xuất lâu dài chứ không phải mạo hiểm với đồng tiền, công sức mình bỏ ra. Nếu không có những đảm bảo tính vững chắc, không có bàn tay điều hành hiệu quả thì bức tranh chăn nuôi sẽ khó khởi sắc, ổn định, trong đó những người chăn nuôi vừa nhỏ sẽ phải hứng chịu rủi ro nhiều nhất.
Đáng nói là hiện nay, phía cơ quan nhà nước hầu như không có công cụ điều tiết thị trường, thiếu sự phối hợp giữa bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, vì nhà nước chẳng có mấy doanh nghiệp chăn nuôi lợn thương phẩm mà chủ yếu là công ty chăn nuôi lợn làm giống.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhìn nhận: “Tổng cục Thống kê mỗi năm thống kê 4 kỳ để nắm được số lượng trong chăn nuôi, tuy nhiên cũng chỉ ở mức tương đối. Để thống kê sát nhất số đầu gia súc, chúng ta nên phối hợp với Tổng cục Thống kê để có số liệu chính xác, từ đó đưa ra chỉ đạo sát thực hơn”.
Ông Montri Suwanposri - Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đưa ra nhận định: “Việt Nam vẫn còn một tỷ lệ khá lớn chăn nuôi nông hộ nhỏ. Ưu thế của chăn nuôi nông hộ nhỏ là linh hoạt, dễ dàng giảm đàn để cắt lỗ cũng như tái đàn khi thuận lợi. Sự biến động này dẫn đến việc thống kê tổng đàn của cả nước còn khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và dễ mất cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi”. |