Giá nông sản hôm nay (29/12): Giá cà phê ít biến động, nguồn cung 2018 dồi dào, giá tiêu khó vượt lên
- Thứ năm - 28/12/2017 18:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá cà phê hôm nay (29/12) ít biến động, giao dịch vẫn ở mức thấp
Giá cà phê hôm nay không có nhiều biến động
Giá cà phê hôm nay (29/12) không có nhiều thay đổi, vẫn giao dịch ở mức 35.200 – 36.300 đồng.
Bảng giá cà phê hôm nay tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com)
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm khoảng 20,1% trong năm 2017 so với năm 2016 xuống còn 1,4 triệu tấn, tương đưogn 23,3 triệu bao loại 60kg.
Giá trị xuất khẩu cà phê 3,7% trong cùng kỳ so sánh xuống còn 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê tháng 12 của Việt Nam – nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, ước đạt 140.000 tấn, tăng so với mức xuất khẩu tháng 11 ở mức 100.400 tấn.
Sự sụt giảm xuất khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm nay và hầu hết các nơi trồng cà phê Robusta trên thế giới không còn gây quá nhiều áp lực lên lượng cung cà phê Robusta trong suốt năm qua. Vì nguồn dự trữ vẫn còn dồi dào. Và với dự báo vụ thu hoạch cà phê mới đầy triển vọng hiện nay, không có bất cứ sức ép nào lên thị trường trung hạn và dài hạn. Điều này được phản ánh trên thị trường London, giao dịch ở mức giá thấp.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tăng ở tất cả các kì hạn. Kỳ hạn giao ngay tháng 1/2018 tăng 3 USD, lên 1.709 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2018 tăng thêm 4 USD, lên 1.715 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5/2018 tăng thêm 3 USD, còn 1.724 USD/tấn. Trong khi đó, giao dịch trên sàn ICE US – New York sôi động hơn, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03/2017 tăng thêm 0,3 cent, lên 124,8 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 tăng thêm 0,3 cent, lên 127,15 cent/lb.
Giá tiêu vẫn đi ngang
Giá tiêu hôm nay (29/12) vẫn đi ngang
Giá tiêu hôm nay (29/12) hầu như không thay đổi tại các địa phương được khảo sát. Giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua trong mức 71.000 - 72.000 đồng/kg.
Giá hạt tiêu nội địa Ấn Độ đã tăng 75 Rs/kg trong 2 tuần qua lên 450 Rs/kg khi chính phủ Ấn Độ quyết định áp giá sàn nhập khẩu đối với hạt tiêu. Tuy nhiên, các nhà chế biến và xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ cho rằng động thái này sẽ có tác động xấu tới thương mại và dẫn đến các luồng thương mại hạt tiêu tiếp tục đổ qua ngả Sri Lanka.
Các thương nhân lo ngại rằng nhập khẩu hạt tiêu sẽ tăng thông qua các luồng thương mại theo FTA, qua đó gây thiệt hại về giá trong thương mại quốc tế. Diễn đàn các nhà xuất khẩu gia vị toàn Ấn Độ (AISEF) cho rằng động thái mới của chính phủ là không hợp lý và sẽ gây thiệt hại cho toàn ngành gia vị.
“Những tuyên bố về áp giá nhập khẩu tối thiểu CIF ở mức 500 Rs/kg, tương đương 7.575 USD/tấn, khi mà giá hạt tiêu quốc tế đang chào bán ở mức 3.500 – 4.200 USD/tấn sẽ gây tác động tiêu cực, khi rất nhiều công ty Ấn Độ chuyên nhập khẩu hạt tiêu để tái xuất thông qua hưởng chênh lệch giá, qua đó tạo công ăn việc làm cho Ấn Độ. Tuy nhiên, với giá sàn nhập khẩu, các doanh nghiệp này sẽ buộc phải đóng cửa”, theo ông Prakash Namboodiri, chủ tịch AISEF phân tích.
Ông cho rằng tăng thuế nhập khẩu sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho nông dân hơn là áp dụng giá sàn nhập khẩu cho tất cả các loại hạt tiêu, do chính sách ngày dẫn đến chi phí tăng phi mã cho các hoạt động sử dụng hạt tiêu chỉ để chiết xuất và không tiêu dùng nội địa.
AISEF cho rằng giá hạt tiêu Ấn Độ giảm là do áp lực nguồn cung dồi dào trên thị trường quốc tế. “Giá hạt tiêu rất cao hồi năm 2006 đã khuyến khích nông dân toàn cầu tăng sản xuất. Việt Nam vốn chỉ sản xuất 80.000 – 90.000 tấn hạt tiêu hàng năm, nay sản xuất tới 200.000 tấn. Brazil trước đây chỉ sản xuất khoảng 30.000 tấn, nay cũng tăng lên 65.000 tấn”.
Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC) có trụ sở tại Jakarta dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 445.150 tấn, so với sản lượng hạt tiêu năm 2017 đạt 460.499 tấn. Sản xuất hạt tiêu Ấn Độ năm 2018 được dự báo cải thiện nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, và IPC dự báo sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2018 sẽ đạt 64.000 tấn.
Theo danviet.vn