Giá nông sản hôm nay 6.11: Cà phê tươi 8.000 đ/kg, công hái đã "ngốn" 2.000; giá tiêu giảm 6.000 đ/kg trong 1 tháng
- Chủ nhật - 05/11/2017 18:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá cà phê tươi 8.000 đồng/kg, công thuê hái đã "ăn" mất 2.000 đồng
Theo nhiều bà con, công thuê hái cà phê năm nay tăng cao hơn năm ngoái, dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/người/công (tuỳ vùng), khiến chi phí sản xuất bị đội lên cao. Đó là chưa kể khi vào mùa thu hoạch rộ, nông dân trồng cà phê đều không thoát được cảnh "đói" nhân công thu hái, phơi sấy cà phê.
Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: C.Thành
Thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, công hái cà phê trên địa bàn thành phố lên tới 2.000 đồng/kg khiến nông dân đang phải chịu sức ép rất lớn. Công hái quá cao, trong khi giá cà phê chỉ khoảng 8.000 đồng/kg, tức công hái đã chiếm 25% thu nhập từ cà phê. Sức ép từ giá công hái đang khiến nông dân Đà Lạt năm nay thiệt đơn thiệt kép vì năng suất cà phê giảm.
Được biết, không chỉ giá công hái cà phê tại Đà Lạt tăng, tại các huyện trồng cà phê lân cận, giá công hái cũng tăng từ 160.000 đồng/công năm 2016 lên 200.000 đồng/công. Tuy nhiên, giá công hái cao nhưng vẫn thiếu người hái cà phê, gây sức ép lớn tới thời điểm thu hoạch rộ.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có trên 140.000 ha cà phê đang cho thu hoạch, diện tích tập trung nhiều nhất là ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm… Cũng như mọi năm, ước tính vụ cà phê này tỉnh Lâm Đồng cần khoảng 70.000 lao động thời vụ để thu hoạch cà phê trong vòng 2 tháng.
Gắn bó với nghề hái cà phê thuê đã 2 năm nay, anh Võ Ngọc Giáng, quê Bình Định, cho biết nghề này làm theo thời vụ, dài khoảng 40 ngày, nếu chăm chỉ cũng kiếm được vài triệu đồng về quê. Ảnh: Tiến Thành
Trong khi giá nhân công tăng cao hơn năm ngoái, nhiều người thậm chí còn phải chấp nhận trả phí cho "cò" để thuê nhân công, với giá từ 500.000 -700.000 đồng/lao động, hoặc phải thông qua các cơ sở giới thiệu việc làm để tuyển lao động hay các nhà xe...
Bình quân mỗi ha cà phê phải cần từ 60 - 70 ngày công thu hoạch, tức cần từ 2-3 lao động thu hái trong khoảng 1 tháng. Nếu một hộ có khoảng 2ha thì phải thuê thêm từ 4 - 7 lao động/ngày để thu hái cà phê cho kịp thời vụ, tránh để cà phê chín rụng hay bị mất trộm. Như vậy mỗi mùa thu hoạch cà phê, người trồng phải chi một khoản tiền không nhỏ.
Trên thị trường cà phê nhân xô, giá cà phê trong tuần qua liên tiếp sụt giảm mạnh theo giá thế giới, đưa giá cà phê Tây Nguyên xuống mức thấp nhất từ tháng 9 đến nay. Theo đó, giá cà phê thấp nhất là tại Di Linh (Lâm Đồng) khi tụt về mức 38.800 đồng/kg; cao nhất là cà phê nhân ở Cư M'gar (Đắk Lắk) và Gia Nghĩa (Đắk Nông), cùng ở mức 40.100 đồng/kg. Tại cảng TP.HCM, giá cà phê xuất khẩu chỉ còn 1.776 USD/tấn, giảm tới 88 USD/tấn so với chỉ 1 tuần trước đó.
Đáng chú ý là cơn bão số 12, tên quốc tế Damrey – con Voi đổ bộ vào miền Trung và miền Nam nước ta những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho một số vùng trồng cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên, đồng thời còn làm ảnh hưởng tới việc nông dân thu hoạch và sấy khô cà phê.
Giá tiêu giảm 6.000 đồng/kg trong 1 tháng
Trong tuần vừa qua, giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ít biến động, hầu hết các vùng nguyên liệu đều giữ giá ổn định nhưng ở mức thấp từ hồi tháng 10 đến nay. Cụ thể, giá tiêu tại Đồng Nai, Gia Lai hôm 4.11 ở mức 75.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng ở mức 77.000 đồng/kg; giá tiêu tại Bình Phước đạt 76.000 đồng/kg, còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì mức giá cao nhất 78.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong tuần qua giao dịch từ 75.000 - 78.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ tháng 10, giá tiêu hôm nay đã giảm từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Kể từ tháng 2.2017 trở lại đây, với việc đẩy lượng xuất khẩu lên các kỷ lục chưa từng có, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta tụt dốc không phanh xuống chỉ còn 4.719 USD/tấn trong tháng 6, tức là đã giảm 2.677 USD/tấn (36,2%) so với tháng 1. Trong khi đó, giá xuất khẩu của 8 quốc gia sản xuất hồ tiêu chủ yếu còn lại của thế giới tuy cũng giảm mạnh theo, nhưng mức giảm tương ứng cũng chỉ là 1.118 USD/tấn (tương đương 16,1%).
Các chuyên gia đều chung nhận định, nguyên nhân giá hồ tiêu của nước ta không thể tăng nổi là do thời gian qua, lượng hàng cung ứng cho thị trường quá lớn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 181.000 tấn hồ tiêu, tăng tới 23,3% so với cùng kỳ và vượt rất xa cả năm 2015. Trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu của 8 nước sản xuất hồ tiêu chủ yếu khác trong nửa đầu năm nay chỉ mới đạt 51.300 tấn, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ.
Theo danviet.vn