Gia tăng phúc lợi xã hội: Nhân tố giảm nghèo bền vững

KTĐT - Đó là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo "Chính sách tăng trưởng trong mối quan hệ với phân phối thu nhập" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp cùng Viện Friedrich Ebert Stiftung - FES (Đức) tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội.
Chênh lệch phân phối thu nhập ngày càng lớn
Báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM chỉ ra, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam luôn đạt mức 6,1%/năm, nhưng tăng trưởng việc làm chỉ đạt khoảng 2,5%/năm. Chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm dân số có xu hướng giảm, nhưng khoảng cách giàu nghèo tuyệt đối lại tăng. Chênh lệch thu nhập giữa nhóm những người giàu nhất và nghèo nhất là 5% (tương ứng 39% so với 34%). Điều này khiến khoảng cách giàu nghèo ngày nới rộng. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, chênh lệch hộ giàu nghèo đã tăng từ 8,14 lần năm 2002 lên xấp xỉ 9,1 lần năm 2011. Các địa phương càng giàu có thì mức độ bất bình đẳng về thu nhập càng cao và ngược lại.
Phân hóa giàu nghèo khiến khả năng tiếp cận, chi tiêu cho các dịch vụ công, phúc lợi xã hội có khoảng cách tương đối lớn. Ví như, chi tiêu cho giáo dục bình quân cả nước vào khoảng 68.000 đồng/người/tháng, nhưng với dân cư thành thị lại cao gấp 2,6 lần so với người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong lĩnh vực y tế, nhóm người giàu sẵn sàng chi trả số tiền lớn hơn gấp 3,6 lần so với nhóm có điều kiện kinh tế khó khăn hơn…
Xây dựng một “quốc gia phúc lợi”
Các chuyên gia nhấn mạnh, mỗi địa phương cần xây dựng chiến lược tăng trưởng phù hợp với đặc điểm của tỉnh, xác định rõ mục tiêu ưu tiên nhằm tận dụng tốt lợi thế, thu hút nguồn lực cho tăng trưởng bền vững. Nhiệm vụ trước mắt là thúc đẩy giảm nghèo và tăng thu nhập thông qua nỗ lực gia tăng phúc lợi xã hội.
 TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) chia sẻ, kinh nghiệm của các nước phát triển chỉ ra rằng, sự hình thành nhóm có thu nhập trung bình thông qua chính sách "thành thị hóa dân cư" dựa vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc giảm chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, bà Tuệ Anh cũng cảnh báo, quá trình đô thị hóa có thể kèm theo không ít rủi ro cho nhóm người nghèo và lao động nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ cho nhóm này hiện chưa thực sự hoàn thiện.
Trong khi đó, TS Đặng Đức Đạm, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng bày tỏ, hiện tại Việt Nam vẫn còn khoảng 50% số người làm nông nghiệp, chính vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ để chuyển dịch hiệu quả cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh khía cạnh giáo dục trong giảm nghèo. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người không có bằng cấp có xác suất rơi vào nhóm nghèo cao gần gấp 5 lần so với nhóm được tiếp cận giáo dục đầy đủ.
GS LEE Joung Woo, trường Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc) chia sẻ, Hàn Quốc từng trải qua một giai đoạn dài phát triển theo mô hình tương tự như Việt Nam, tức là tăng trưởng dựa vào chính sách huy động vốn và cũng gặp phải những vấn đề lớn của nền kinh tế đang phát triển như lạm phát, chính sách đất đai… Tuy nhiên, Hàn Quốc lại có được phân phối thu nhập tốt hơn Việt Nam là bởi quốc gia này rất chú trọng vào việc xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội. Chính vì vậy, GS LEE cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có thêm những chính sách "vì người nghèo", "nghĩ cho người nghèo" nhiều hơn.
Trọng Tùng
theo ktdt