Giá tiêu hôm nay 17/1: Giá tiêu "chạm đáy" còn 65.000 đ/kg, năng suất giảm: Hậu quả do trồng ồ ạt?
- Thứ ba - 16/01/2018 17:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo cần quy hoạch lại vùng trồng tiêu và phương thức canh tác theo hướng bền vững.
Ông Bùi Thanh Hùng (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ) chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Năng suất và giá tiêu đều giảm
Mấy ngày gần đây, ông Nguyễn Đức Thuận (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đang thuê nhân công thu hoạch những trụ tiêu chín sớm. Dẫn chúng tôi thăm vườn, ông Thuận đưa tay vạch những cành lá tươi tốt nhưng chỉ lưa thưa vài chuỗi trái và cho biết: “Năm nay, do thời tiết bất lợi nên tỷ lệ tiêu đậu trái thấp, ước tính sản lượng chỉ bằng 60-65% so với vụ trước”.
Theo ông Thuận, năm nay thời tiết bất thường, mưa nhiều, khiến độ ẩm tăng cao, tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm. Chỉ trong tháng 12-2017, vườn tiêu nhà ông có hơn 30 trụ bị chết. Bên cạnh đó, thời điểm tiêu ra bông lại gặp mưa trái mùa nên tỷ lệ đậu trái thấp. “Giá đã giảm sâu, năng suất cũng giảm, trong khi chi phí thuê nhân công lại tăng. Vì vậy, người trồng tiêu chúng tôi hiện đang rất khó khăn”, ông Thuận buồn bã nói. |
Cũng đang trong tâm trạng đứng ngồi không yên, ông Nguyễn Văn Vang (thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho biết, hiện gia đình ông đang canh tác hơn 2ha hồ tiêu, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 6 tấn. Đầu năm 2017, tiêu bắt đầu đầu rớt giá, còn khoảng 100.000 đồng/kg.
Thấy vậy, ông không bán hết, trữ lại hơn 3 tấn chờ giá lên. Nhưng từ tháng 8-2017 đến nay, giá tiêu liên tục lao dốc, hiện chỉ còn 66.000 đồng/kg. “Vụ tiêu mới đang vào mùa thu hoạch, trong khi tiêu cũ chưa bán hết nên tôi chưa biết xoay xở như thế nào. Với mức giá như hiện nay, người trồng tiêu không có lãi”, ông Vang ngậm ngùi.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Hùng (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết, với diện tích gần 1ha, vụ tiêu năm nay, gia đình ông thu hoạch gần 2,8 tấn, giảm khoảng 2 tạ so với vụ trước.
Nguyên nhân là do thời điểm cuối năm 2017, liên tiếp xảy ra mưa lớn khiến gần 100 gốc tiêu trong vườn bị ngã đổ, nhiều cây bị chết. Mặc dù giá tiêu rất thấp nhưng ông vẫn phải bán để có tiền trả nợ ngân hàng, thanh toán chi phí sản xuất, thuê nhân công thu hoạch.
“Vỡ” quy hoạch
Giá tiêu xuống thấp, hộ ông Nguyễn Văn Giàu (tổ 45, thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phải tự hái hơn 1ha tiêu của vườn nhà để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Đinh Hùng
Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích hồ tiêu cả nước ổn định ở mức 50.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, diện tích hồ tiêu cả nước đã sớm “vượt đích”, hiện lên tới 130.000ha, gấp 2,5 lần so với quy hoạch. Sản lượng tiêu nước ta cũng đạt mức kỷ lục, với hơn 200.000 tấn.
Tại BR-VT, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000ha, gần gấp đôi so với quy hoạch. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu giảm sâu do cung vượt cầu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều nước sản xuất hồ tiêu lớn như: Bazil, Ấn Độ, Campuchia… họ cũng ồ ạt tăng diện tích trồng tiêu.
Ông Lê Quý Thịnh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn khi trồng tiêu phải lựa chọn đất, nguồn nước phù hợp, không trồng đại trà và phải lấy hiệu quả làm chính, tránh tình trạng trồng ồ ạt. Tuy nhiên, do giá tiêu nhiều năm ở mức cao nên bà con nông dân vẫn cứ ồ ạt trồng vì cho thu nhập “khủng”.
Ông Thạch Trung (Tổ 18, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phơi tiêu sau thu hoạch.
Trồng tiêu theo hướng bền vững
Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trước thực trạng nêu trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các nước, trong đó cần hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Từ năm 2013 đến nay, Sở NN-PTNT phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các DN như Công ty Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty Harris Freeman triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với tổng diện tích gần 1.300ha.
Tham gia dự án, các hộ trồng tiêu được tiếp cận các mô hình canh tác tiêu sạch phù hợp theo yêu cầu, tiêu chuẩn của khách hàng châu Âu và Nhật Bản; được hỗ trợ một số trang thiết bị, vật tư thiết yếu trong quá trình trồng tiêu; nâng cao năng lực quản lý vườn trồng, quản lý chi phí đầu tư và kiến thức kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn phương thức sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, cách thức quản lý dịch hại tổng hợp, sơ chế và bảo quản hạt tiêu. |
Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng mối liên kết “trách nhiệm” giữa các nông hộ sản xuất - nhà thu mua - nhà khoa học - nhà quản lý; xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu “mẫu” cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Khi đáp ứng được các tiêu chí quy định, người trồng tiêu sẽ được cấp các chứng nhận đạt chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance (RA)… “Khi đạt các chứng nhận này, việc xuất khẩu hồ tiêu sẽ thuận lợi hơn”, ông Lương Văn Thăng cho hay.
Theo ông Lê Quý Thịnh, hiện ngành nông nghiệp huyện Châu Đức đang rà soát, thống kê lại diện tích hồ tiêu trên toàn huyện, từ đó có phương án quy hoạch, tổ chức lại phương thức trồng tiêu của người dân tại địa phương, hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 214.000 tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20,5% về khối lượng nhưng giảm 22% về giá trị so với năm 2016. Các chuyên gia kinh tế và DN xuất khẩu nông sản nhận định, xu hướng giá tiêu thấp có thể sẽ còn duy trì trong cả năm 2018 do sản lượng tiêu trên toàn cầu ngày càng tăng.