Giải cứu “cơn khát” vốn cho các hợp tác xã
- Thứ bảy - 05/08/2017 10:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây được xem như “làn gió mới”, kỳ vọng sẽ giải cứu “cơn khát” vốn cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Hầu hết các HTX kiểu mới đang hoạt động có hiệu quả đều gặp khó khăn khi tiếp cận vốn từ các TCTD.
Ông Khuất Văn Toàn – Phó Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ Viên Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), cho biết hiện nay, HTX có tổng diện tích 6,5ha trồng rau ngắn ngày theo PGS (tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ an toàn), sau 1 tháng có thể thu hoạch với mức lãi bình quân 3 – 5 triệu đồng/sào.
Vẫn là vốn
Hiện nay, HTX đã liên kết với Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Do đó, HTX hoàn toàn yên tâm mở rộng sản xuất rau.
Tuy vậy, dù đã nhiều lần đặt vấn đề vay vốn với một số ngân hàng thương mại nhưng phía ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp tương đương. Cái khó là HTX không có tài sản chung để mà thế chấp vay vốn, đất canh tác hay cây trồng, sản phẩm lại không được tính là tài sản có thể thế chấp, vì phía ngân hàng sợ rủi ro nên không chấp nhận…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, có 5 vấn đề cốt lõi để phát triển khu vực KTTT, đó là công nghệ, thị trường, vốn, đất đai và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay, cả 5 vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Trong đó, nguồn vốn cho đầu tư sản xuất đang thiếu trầm trọng, mặc dù Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã ra đời, song dường như việc hỗ trợ vốn vay cho các HTX không dễ dàng chút nào, do nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của các HTX. Thậm chí, hiện còn 13 tỉnh chưa có Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX cấp tỉnh, hoặc có tỉnh thu được hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhưng Quỹ lại không có đồng nào.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự, chính sách nói là quan tâm HTX nhưng chỉ nói chung, chưa có hành động cụ thể. Nếu trích 1 – 2% trong tổng nguồn thu ngân sách từ các tỉnh vào Quỹ, thì sẽ hỗ trợ rất lớn về nguồn vốn cho các HTX sản xuất, kinh doanh.
Thực tế hiện nay, KTTT được coi là 1 trong 3 khu vực kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng đang có sự phân biệt đối xử. Nếu như khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân có nhiều ưu đãi trong quá trình tiếp cận vốn của các TCTD, thì KTTT (được xem là yếu thế hơn cả) lại không được ưu đãi.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần phải có liều thuốc đặc biệt cho khu vực KTTT. Ví dụ về vốn, nên hỗ trợ lãi sau đầu tư và nên bảo lãnh tín dụng; trao quyền cho các Quỹ hỗ trợ Trung ương và các thành phố chịu trách nhiệm bảo lãnh tín dụng để cho các HTX được vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
“Tuy nhiên, đây là ngành có nhiều rủi ro, nên các bộ ngành cần phải có cơ chế thông thoáng, nhưng cũng phải an toàn cho các ngân hàng”, Chủ tịch Võ Kim Cự nói.
“Làn gió mới”
Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ đang được kỳ vọng sẽ giải quyết được vẫn đề “lõi” cho phát triển KTTT. Đó là, thay vì phải có tài sản bảo đảm thế chấp, các HTX, Liên hiệp HTX có thể dùng các dự án được Quỹ thẩm định và đánh giá là có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án; không có nợ xấu sẽ được Quỹ bảo lãnh vay vốn tại các TCTD.
Nhận định về thông tin này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, Quyết định 23 của Chính phủ đã giao cho Quỹ thực hiện hai nhiệm vụ chính, là bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho vay. “Thực hiện tốt hai chức năng này, còn giá trị hơn cho các HTX hàng ngàn, hàng vạn tỷ đồng”, Chủ tịch Võ Kim Cự nói.
Hầu hết các HTX đều vui mừng đón nhận Quyết định 23 và cho rằng ngoài việc đứng ra bảo lãnh vốn, Quỹ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cũng rất quan trọng đối với các HTX.
Được biết, Liên minh HTX Việt Nam đang sửa đổi Điều lệ hoạt động, cũng như điều kiện bảo lãnh tín dụng của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho phù hợp với quy định mới.
Theo Thanh Hoa/langmoi.vn