Giải cứu ngành chăn nuôi: Cần chính sách mạnh từ Chính phủ
- Thứ hai - 08/04/2013 02:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
QUẢ BÓNG NỢ XẤU SẮP… NỔ!
Ông Chamnan Wangakkarangkul – Phó Tổng Giám đốc Cty C.P Việt Nam cảnh báo, đến năm 2015 khi khối ASEAN trở thành một thị trường chung, các hàng rào phi thuế quan bị dỡ bỏ hết, thì ngành chăn nuôi VN sẽ gánh chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Lúc đó, chắc chắn có rất nhiều DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia nhập thị trường VN và cạnh tranh hết sức khốc liệt.
“Nếu giá thành chăn nuôi của VN còn cao như thế này thì người tiêu dùng VN sẽ phải ăn toàn thịt heo, thịt gà, trứng gà của các nước khác!” – ông Chamnan nói.
Đặc biệt, ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN cho biết, tình hình nợ xấu đang ngày càng lớn trong ngành chăn nuôi! Việc giá heo đang xuống quá thấp khiến nông dân thua lỗ dẫn đến việc nhiều người không có khả năng chi trả tiền TĂCN cho các đại lý. Tình trạng này đã kéo dài và ngày càng phổ biến khiến các đại lý “ham” bán chịu sẽ phá sản, kéo theo nhiều nhà máy sản xuất TĂCN “dính” theo.
"Thông tin tôi được biết, hiện rất nhiều nhà máy TĂCN vừa và nhỏ của ta đã và đang bị phá sản. Điều đó có nghĩa, không chỉ mỗi nông dân bị ảnh hưởng mà cả một chuỗi mắt xích liên quan trong ngành chăn nuôi đang xảy ra tình trạng nợ xấu!", theo ông Bình.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng – Chủ tịch HĐQT Cty Proconco cũng khẳng định, khó khăn quá lớn hiện nay nếu không được Chính phủ quan tâm giải quyết dẫn tới nông dân đóng chuồng, treo ao, hậu quả là thiếu thực phẩm, thiếu heo, gà, trứng và chúng ta lại phải nhập khẩu hàng loạt.
Bà Hồng đặt câu hỏi: “Vòng luẩn quẩn này sẽ kéo ngành chăn nuôi đi đến đâu? Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ liên quan đến toàn ngành chăn nuôi mà ảnh hưởng cả đến hàng triệu người tiêu dùng. Vậy có đáng để Chính phủ ngồi lại để tìm biện pháp tháo gỡ không? Tôi nghĩ rằng, một mình Bộ NN-PTNT không thể giải quyết được vì nó liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành khác và đây còn là vấn đề quy hoạch dài hơi cho cả một ngành cung ứng thực phẩm lớn”.
Bà Hồng còn cho biết, nhiều năm qua cũng mang nỗi ấm ức là tại sao năm nào cũng phải đi nhập khẩu bắp (ngô) ở tít nửa vòng trái đất (Mỹ, Brazin…), trong khi nhiều vùng của nước ta (như Đồng Nai) là nơi có thể trồng bắp rất tốt và hiệu quả. “Tôi đi tìm câu trả lời thì được biết nguyên nhân vẫn là do chúng ta rất yếu về kỹ thuật trong trồng trọt, yếu về công nghệ sau thu hoạch… Những cái yếu này ngành chăn nuôi cũng khó tự xử lý được mà đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính vĩ mô, có bàn tay điều hành trực tiếp của Chính phủ, thực hiện cho cả một chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi.
Ngô biến đổi gen phục vụ chăn nuôi trồng bạt ngàn ở nhiều nước trên thế giới
Tôi chắc rằng, chỉ 3 đến 5 năm nữa ngành chăn nuôi VN sẽ gánh hậu quả rất lớn. Đặc biệt là hậu quả của sự lệ thuộc ngày càng nhiều về nguyên liệu TĂCN, mà lý ra một nước nông nghiệp như chúng ta có thể làm được rất nhiều để giúp ngành chăn nuôi phát triển”.
MẠNH DẠN QUY HOẠCH CÂY CHUYỂN GEN
Như NNVN số ra tuần trước (thứ sáu, ngày 5/4) phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi về tháo gỡ khó khăn cho ngành, ông Dương cũng khẳng định: “Chúng ta phải dần chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế lệ thuộc vào các loại nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước có thể sản xuất được như ngô, lúa mì, bột cá và thức ăn bổ sung…”.
Về ý kiến này, NNVN cũng ghi nhận nhiều quan điểm tương đồng với cách nhìn của ông Dương. Ông Trần Trung Ngươn – Phó Tổng Giám đốc Cty CP XNK Nông sản thực phẩm An Giang đặt câu hỏi: “Tại sao thịt nhập vào VN nhiều? Đơn giản là do họ chủ động được nguồn nguyên liệu TĂCN giá rẻ, quy mô chăn nuôi lớn, tiết kiệm chi phí nên giá thành chăn nuôi rất thấp, năng suất lại cao nên ưu thế hơn chúng ta thôi. Vì thế, tôi nghĩ các DN phải liên kết lại để bày tỏ ý kiến của mình đến Chính phủ: Tại sao ngành nông nghiệp phục vụ cho chăn nuôi của ta ngày càng thụt lùi như vậy? Khi không tự chủ được nguyên liệu TĂCN thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện cạnh tranh cả!”.
Vì thế, ông Ngươn và nhiều DN đề xuất cần có chính sách chuyển đổi các vùng lúa năng suất thấp, vùng gò đồi, thiếu nước (như miền Trung, một số khu vực gò cao, thiếu nước ở Đông Nam bộ…) sang trồng bắp, đậu nành chuyển gen để hạn chế nhập khẩu, giảm giá thành TĂCN (hiện mỗi năm VN phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập trên dưới 5 triệu tấn đậu nành và bắp từ nước ngoài).
Theo ông Phạm Đức Bình: “Năm nào tôi cũng thấy Nhà nước cho tạm trữ lúa gạo, dường như chúng ta đang làm công việc an ninh lương thực cho… cả thế giới, mà nông dân cũng không được hưởng thụ nhiều?! Trong khi nhiều loại nguyên liệu TĂCN hoàn toàn có thể trồng được thì lại bỏ tiền ra nhập khẩu.
Cũng có một số ý kiến đưa một phần lúa gạo chuyển qua làm TĂCN, nhưng tôi thấy không nên làm như thế. Bởi các nhà khoa học tài giỏi của các nước có ngành chăn nuôi cực kỳ phát triển, họ cũng không hề nghiên cứu làm như vậy. Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang gây ra tình trạng hạn hán ở nhiều nơi, tất cả các vùng gò thiếu nước, vùng gò đồi…, đều có thể chuyển sang trồng bắp, đậu nành rất hiệu quả. Đáng buồn là các đề xuất này có cách đây cả chục năm nhưng đến giờ vẫn không hề thay đổi”.
Liên quan đến đầu tư cho vùng nguyên liệu TĂCN, bà Nguyễn Thị Khánh – Giám đốc Cty Thức ăn gia súc Lái Thiêu (Bình Dương) khẳng định: “Tôi rất đồng tình với các ý kiến đề xuất phải tăng vùng nguyên liệu TĂCN ngay trong nước, hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là bắp. Tôi thấy tình trạng xuất khẩu gạo của ta đang rất khó khăn, vậy tại sao mình không chuyển đổi một phần lúa sang trồng bắp cho phù hợp hơn? Nếu các DN chúng tôi được Nhà nước có chính sách ưu đãi về đất đai để canh tác, chắc chắn sẽ đầu tư máy móc hiện đại để thực hiện công việc này”.
Đặc biệt, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN tiết lộ: “Chúng tôi từng nhờ một vị nguyên là Phó Thủ tướng giúp có ý kiến về việc chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng bắp. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị VN phải nhanh chóng đưa giống bắp chuyển gen vào sản xuất để cải thiện nhanh năng suất đang quá thấp hiện nay. Suốt 10 năm qua, năng suất bắp của VN vẫn không tăng lên mấy, bình quân chỉ đạt khoảng 43 tạ/ha (trong khi nhiều nước như Mỹ đạt tới 80 tạ/ha)”.
Ông Lịch cũng khẳng định, sở dĩ VN không cần ngần ngại đưa bắp, đậu tương biến đổi gen vào sản xuất vì bắp, đậu tương nhập từ Mỹ, Achentina, Brazin về VN đều là sản phẩm chuyển gen, con gà con lợn của ta đều ăn thức ăn chuyển gen từ lâu rồi!
+ Ông Lê Bá Lịch: "Đề nghị ngành nông nghiệp VN sớm có kế hoạch tự sản xuất nguyên liệu TĂCN ngay trong nước bằng cách: Chuyển một số diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng bắp. Có chính sách khuyến khích chế biến bột cá; khuyến khích các ngành nghiên cứu tạo nguyên liệu mới trong TĂCN như thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia, mùi, màu, vị. Đồng thời, các dự án nghiên cứu trong chăn nuôi cần ưu tiên nghiên cứu về các vấn đề sản xuất đang rất cần như: hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng premix, thức ăn cho lợn con…, giúp các DN dần dần sản xuất thức ăn khép kín, giảm tối đa giá thành TĂCN". + Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng: "Có ý kiến đề xuất giải pháp hạ giá TĂCN (ít nhất 5%) bằng cách các DN hạn chế việc cung ứng TĂCN cho nông dân thông qua các đại lý. Đây đúng là ý kiến tốt, nhưng với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ của VN, chắc chắn các DN chưa thể thực hiện việc mua bán trực tiếp với hàng vạn hộ chăn nuôi được. Muốn làm thế thì chúng ta phải giảm tối đa hình thức nuôi nhỏ lẻ, gia tăng chăn nuôi lớn, tập trung thì người chăn nuôi và nhà máy mới dần trực tiếp mua bán với nhau, hạn chế trung gian để giảm giá thành TĂCN". |