Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga

Liên bang Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng truyền thống là nông sản, thực phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, chè, rau, quả, hạt điều, gạo… Phân tích thực trạng xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga, bài viết chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường này, đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Liên bang Nga thời gian tới.
Ảnh mLiên bang Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng truyền thống là nông sản, thực phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu.Ảnh mLiên bang Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng truyền thống là nông sản, thực phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu.

Tình hình xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Nga

Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), lượng tiêu thụ thủy sản của thị trường Liên bang Nga bình quân khoảng 4,1 - 4,3 triệu tấn/năm, trong đó riêng cá các loại là hơn 3,4 triệu tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Liên bang Nga trong các năm gần đây ngày càng tăng với trạng thái cầu vượt cung (nhu cầu tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người tại Nga là 20,2 - 23,7 kg/người/năm trong khi bình quân trên thế giới là 17 kg/người/năm).

Cơ cấu thủy sản nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm cá nguyên con/phi-lê, tôm và nhuyễn thể dưới dạng sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, trong đó cá nguyên con đông lạnh được nhập khẩu nhiều nhất (chiếm 80% tổng lượng thủy sản nhập khẩu). Tiếp theo là cá phi-lê đông lạnh (8%), cá nguyên con/phi-lê tươi, ướp lạnh (6%), tôm (3,4%), nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (2%), cá nguyên con/phi-lê khô, muối chiếm tỷ trọng không đáng kể (chưa đến 1%).

Các đối tác chính xuất khẩu thủy sản sang Liên bang Nga là Na Uy (chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Nga), tiếp theo là Chile (chiếm 10,3%), Trung Quốc (chiếm 9,2%), Ireland (chiếm 5,9%), Canada (4,2%), Đảo Faroe (chiếm 3,9%), Việt Nam (chiếm 3,6%), Hoa Kỳ (chiếm 2,7%), Belarus (chiếm 2,2%), còn lại là các quốc gia khác như Đan Mạch, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuado, Acmenia…(trung bình chiếm dưới 2%).

 Năm 2014, Liên bang Nga đã ban hành lệnh cấm vận áp dụng đối với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Úc và Na Uy, trong đó có thủy sản, chủ yếu là các sản phẩm thuộc chương 03 (từ phân nhóm 0301 đến 0308) cụ thể là cá các loại, động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh dưới dạng sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, khô, muối. Lượng nhập khẩu nhóm hàng này từ các quốc gia bị cấm vận chiếm khoảng 13,3% nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nga.

Việt Nam và Liên bang Nga đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á -  Âu (EAEU) ngày 29/5/2015, Hiệp định đã có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2016. Theo Hiệp định ký kết, phía EU cam kết mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm, tương đương 100% kim ngạch xuất khẩu trung bình 3 năm từ 2010 - 2012 của Việt Nam sang EAEU; 5% dòng còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ giảm từ 10% xuống 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến của Việt Nam. Về xuất xứ hàng hóa, Việt Nam đã đạt được quy tắc xuất xứ linh hoạt đối với một số sản phẩm thủy sản chế biến, đóng hộp như cá ngừ, tôm...

Đây là nhóm mặt hàng hiện nước ta còn thiếu nguyên liệu và phụ thuộc và nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác (chiếm khoảng 50%). Hiệp định cho phép nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ chế biến cá ngừ, tôm và một số loại thủy sản đóng hộp khác nhưng phải đáp ứng hàm lượng nội địa 40%.

Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu là các sản phẩm cá tra, cá basa phi-lê; cá tầm đông lạnh; cá thờn bơn, cá trích, cá mòi ướp lạnh; mực, bạch tuộc đông lạnh. Mặc dù Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga với sản phẩm chủ lực là cá tra phi-lê (chiếm trên 70 tổng lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nga, chiếm 13% tổng lượng cá phi-lê nhập khẩu của Liên bang Nga) nhưng hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga chỉ chiếm 3,6% tổng nhập khẩu thủy sản của Nga và chỉ chiếm khoảng  1,3% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu thủy sản sang Nga

Thực tế hiện nay cho thấy, sức tiêu thụ của thị trường Nga đối với các mặt hàng thủy sản là khá cao. Nga là thị trường khá mở, với sức tiêu thụ lớn, với dân số trên 143 triệu người, thu nhập bình quân đầu người là 17.500 USD/năm.

Việt Nam và Liên bang Nga vừa tham gia ký kết Hiệp định Việt Nam – EAEU, đây cũng là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của EAEU, mở ra một cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan. Như vậy, DN Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, Liên bang Nga còn là cửa ngõ để xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Á - Âu.

Hơn nữa, Liên bang Nga đang ngày càng tăng cường mở rộng quan hệ thương mại với các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác thương mại với Liên bang Nga do hai nước có một truyền thống chính trị - ngoại giao - xã hội - kinh tế lâu dài và tốt đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Liên bang Nga cũng đang gặp phải một số khó khăn. Trước năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga, nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 50 - 60%. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này sang Liên bang Nga đã giảm xuống chỉ còn 10 – 20%, cho dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn liên tục tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hạn chế sau:

- Về khả năng cạnh tranh của sản phẩm: So với hàng thủy sản xuất khẩu của các nước, hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Chất lượng hàng thủy sản của Việt Nam không ổn định do sản xuất manh mún, chưa đúng quy trình và chưa được quản lý chặt chẽ.

- Về vấn đề vận chuyển hàng hóa: Một trong những nhân tố khiến hàng hóa Việt Nam có giá cao, khó cạnh tranh, đó là do trung bình mất từ 3 tuần đến 7 tuần hàng hóa mới đến Liên bang Nga. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Liên bang Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ...

- Về khả năng và phương thức thanh toán: Ngoài tập quán thanh toán T/T hoặc D/P trả chậm (ứng trước 10 - 20%, sau khi giao hàng nhận chứng từ gốc trả 80% - 90% còn lại), trong thời gian qua, phần lớn các khách hàng Nga cũng đề nghị thanh toán theo hình thức trả chậm 6 tháng đến 1 năm. Phía DN Việt Nam cũng ở trong tình trạng hạn chế về vốn, hơn nữa lại phải vay vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều so với DN của các nước khác trong khu vực cùng xuất khẩu nông sản vào Nga.

- Về  đồng tiền thanh toán: Hiện nay DN hai nước vẫn chưa thực hiện được việc thanh toán bằng đồng nội tệ do cơ chế thanh toán ngân hàng giữa hai nước. Việc thanh toán bằng đồng USD gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng Rúp của Liên bang Nga và đồng USD của Hoa Kỳ, mặc dù việc thúc đẩy thanh toán song phương, bao gồm thanh toán bằng nội tệ, thông qua việc thực hiện Đề án thúc đẩy thanh toán song phương Việt - Nga đã có những tiến triển bước đầu.

- Về các rào cản kỹ thuật: Các rào cản phi thuế quan (như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng...) mà Liên bang Nga đang áp dụng đối với thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia khác.

Mặc dù hiện nay, Liên bang Nga là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng Cục Kiểm dịch động thực vật (FSVPS) vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Cụ thể như: Trình tự, thủ tục kiểm tra, công nhận các DN vào Danh sách được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và các hướng dẫn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm của Liên Hợp quốc (Ủy ban CODEX).

Mặt khác, hiện nay, Liên bang Nga mới chỉ công nhận 25 DN (trong tổng số 136 DN chế biến thủy sản Việt Nam đăng ký xuất khẩu sang Nga) được phép xuất khẩu thủy sản vào Nga, gồm: 06 DN chế biến cá tra, basa đông lạnh; 15 DN chế biến thủy hải sản đông lạnh; 03 DN chế biến thủy sản khô và 01 DN chế biến đồ hộp.

Ngoài ra, việc không cho phép tồn dư Oxytetracyline trong thủy sản và mức giới hạn mặc định để xử lý lô hàng vi phạm là 10 ppb chặt hơn mức cần thiết so với quy định của Ủy ban CODEX (cho phép mức tồn dư trong thủy sản MRL là 200 ppb) và EU (cho phép mức tồn dư trong thủy sản MRL là 100 ppb); Đối với chỉ tiêu hóa chất cấm Malachite Green/Leuco Malachite Green, mức giới hạn mặc định để xử lý lô hàng vi phạm là 1 ppb, chặt hơn mức cần thiết so với quy định của EU (MRPL là 2 ppb).

Việc trao đổi thông tin giữa Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và FSVPS thường chậm trễ, cơ chế trao đổi thông tin về cảnh báo an toàn thực phẩm, cập nhật danh sách được phép xuất khẩu, quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn… chưa minh bạch và kịp thời.

Những đề xuất, khuyến nghị

Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn và phát huy thế mạnh của nước ta trong xuất khẩu thủy sản sang Liên bang Nga, thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: Tiếp tục đưa các nội dung hợp tác về xuất nhập khẩu trong hoạt động của Tiểu ban Thương mại - Đầu tư, Tiểu ban Công nghiệp... (thuộc Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam- Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật) cũng như Tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án ưu tiên. Nâng cao vai trò của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Đồng thời, thường xuyên tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan liên quan để đánh giá, tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại, góp phần tăng trưởng thương mại thời gian tới; Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ở các cấp sang Liên bang Nga, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa; Nghiên cứu việc kết nối với các Trung tâm thương mại của Việt kiều tại Liên bang Nga hoặc Hiệp hội các DN Việt Nam tại Liên bang Nga, để tăng cường giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng Nga.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tiếp cận, trao đổi và tìm hiểu thông tin để nghiên cứu về khả năng giao dịch cặp tiền tệ VNĐ/Rúp trên Sàn giao dịch Matxcơva để thúc đẩy thanh toán song phương bằng nội tệ; Tuyên truyền, khuyến khích các DN Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán bằng đồng nội tệ để hạn chế rủi ro tỷ giá; Tạo thuận lợi về vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga bằng nhiều hình thức hợp tác, góp phần tăng trưởng thương mại song phương trong thời gian tới.

Đối với các Hiệp hội ngành hàng và DN: Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp khả thi, để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình tại thị trường Liên bang Nga; Chú trọng công tác bảo đảm uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu sang thị trường này, đồng thời, tăng cường quảng bá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga; Nghiên cứu việc kết nối với các Trung tâm thương mại của Việt kiều tại Liên bang Nga để tăng cường giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng; Liên hệ chặt chẽ với các Ngân hàng Việt Nam và tìm hiểu kỹ những dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là Dự án thanh toán bằng đồng nội tệ do Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Nga, để giải quyết những khó khăn trong khâu thanh toán hiện nay.

theo bao tapchitaichinh.vn