Giải pháp đồng bộ hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- Thứ tư - 12/02/2020 19:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là một nội dung trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch virus Covid-19 đến kinh tế-xã hội Việt Nam tính đến ngày 12/2.
Xác định nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi dịch
Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới. Ngoài ra làm đình trệ sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Trong khi đó Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện tại, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất, và cả thị trường tiêu thụ. Bộ KHĐT lo ngại đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn.
Về tổng thể dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực nên hoạt động đầu tư có thể bị ảnh hưởng.
Về du lịch, ước tính số lượng khách ngoài Trung Quốc sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch.
Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ các chuyến bay. Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm do lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm.
Các cơ sở lưu trú, du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy kế hoạch du lịch, hủy đặt phòng. Hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người. Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động như giáo dục trực tuyến có thể gia tăng.
Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I, ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II thì ước tính quý II đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cần rà soát để “trợ lực” đúng địa chỉ
Dưới góc độ cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch.
Cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu; bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.
Trước đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai một số giải pháp bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN cũng đã có Hội nghị bàn các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp. Lãnh đạo NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch.
Nhấn mạnh sự hỗ trợ cần đúng địa chỉ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đề nghị ngân hàng xác định thiệt hại, tính toán cơ cấu lại dư nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giảm lãi trong hợp đồng, tiến hành các biện pháp cho vay mới để “trợ lực ” các doanh nghiệp duy trì phát triển…
Tinh thần chung là các ngân hàng cần giảm lãi suất hỗ trợ khó khăn doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh.
Anh Minh/chinhphu,vn