Giải phóng sức ỳ đất nông nghiệp - Bài 1: Bóp nghẹt sản xuất hàng hóa

Giải phóng sức ỳ đất nông nghiệp - Bài 1: Bóp nghẹt sản xuất hàng hóa
Nếu không mở rộng diện tích và thời gian sử dụng đất nông nghiệp hơn nữa, thậm chí xoá bỏ hẳn hạn điền sẽ khó có một nền nông nghiệp hàng hóa…

 

LTS: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII chính thức khai mạc vào hôm nay (22.10) sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Đáng chú ý, sau rất nhiều lần đưa lên đặt xuống, Dự án Luật Đất đai sửa đổi - một dự án luật quan trọng, liên quan đến hàng chục triệu người dân sẽ chính thức được đưa ra lấy ý kiến.

Nhằm truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách đa chiều, từ số báo này, Báo NTNN khởi đăng loạt bài Giải phóng sức ỳ đất nông nghiệp, trong đó tập trung đến những bất cập của chính sách hạn mức, hạn điền... để cùng góp tiếng nói, hiến kế cho các cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra cơ chế, giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng của đất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao.

* * *

Diện tích và thời gian sử dụng đất nông nghiệp được Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mở rộng, nhưng sự mở rộng này vẫn "manh mún" như ruộng đồng hiện nay. Nếu không mở rộng hơn nữa, thậm chí xoá bỏ hẳn hạn điền sẽ khó có một nền nông nghiệp hàng hóa…

Thời hạn giao đất 50 năm vẫn chưa thực sự khiến người nông dân an tâm sản xuất, làm ăn.

Lãng phí đất...

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, trung bình mỗi hộ dân ở tỉnh này sở hữu 3,5 thửa đất; mỗi thửa 543m2; tổng cộng mỗi hộ dân sử dụng 1.900m2 đất nông nghiệp. Bức tranh ruộng đồng manh mún, xé lẻ này đang làm cho hiệu quả sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn.

Ông Mai Nhật Tân - Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn, Chi cục NNPTNT tỉnh Hải Dương nói: "Năng suất sản xuất nông nghiệp của Hải Dương có tăng trong những năm qua, nhưng tăng do áp dụng giống và kỹ thuật canh tác mới chứ không đến từ việc cởi trói cho đồng ruộng".

Theo ông Tân, những khó khăn của sản xuất nông nghiệp khi ruộng đồng manh mún là: Không thể đưa khoa học kỹ thuật máy móc vào sản xuất; nông sản làm ra quy mô nhỏ, không đủ để tạo ra một hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt, khi ruộng bị xé lẻ, diện tích dành cho bờ ruộng lớn, gây lãng phí đất; việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng của chính quyền địa phương tốn kém, khó thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Chí - chủ trang trại nuôi cá giống ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết, việc dự thảo luật mở rộng hạn mức sử dụng loại đất nuôi trồng thủy sản là 3ha và được mua quyền sử dụng đất lên đến 30ha là một con số ông "chưa dám mơ", là một bước tiến. Tuy nhiên, hạn mức, hạn điền đó trong thời điểm hiện nay là phù hợp nhưng vài năm, vài chục năm sau khi chúng ta tiến tới sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn thì sẽ lạc hậu. “Vậy nên, cần nghiên cứu và mở rộng hạn mức, hạn điền hơn nữa, thậm chí giao hẳn 99 năm như nhiều ý kiến”.

Ông Lê Đình Khanh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, theo các quy định hiện nay, đất được giao trong hạn mức được hưởng chính sách thuế đất nông nghiệp, thủy lợi phí… Đất ngoài hạn mức phải nộp các khoản đó. Tuy nhiên, đại biểu Khanh nhấn mạnh quan điểm "đất chỉ hiệu quả khi đánh thuế" và cho rằng, các khoản miễn giảm hiện nay chỉ là tình thế, về lâu dài phải thu các khoản trên. Từ đó, đại biểu Khanh cũng đề nghị không nên hạn chế mức giao cũng như hạn mức chuyển nhượng.

Ông Khanh đưa ra một ý kiến hết sức thực tế: "Một nông dân Hải Dương đang sở hữu đất tận miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí là cả miền Nam. Nếu bị hạn điền, họ lại chuyển tên cho vợ, con, anh em họ hàng, Nhà nước không thể quản lý nổi".

Không yên tâm đầu tư

Năm 2012 chứng kiến một sự chững lại trông thấy của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ông Nguyễn Đức Chí chỉ ra khoảnh ao bị ngăn đôi nói: "Năm 2012, tôi kè bờ ao. Vì sợ đến năm 2013 bị thu hồi đất theo Luật Đất đai hiện hành nên tôi chỉ kè một nửa; còn một nửa không dám làm. Thời hạn sử dụng đất luôn làm người nông dân thấy bất an, không dám đầu tư sản xuất".

Bạn đọc, các doanh nghiệp, nhà quản lý, các chuyên gia... có ý kiến, bài viết góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi xin gửi về địa chỉ ntnnhn@gmai.com hoặc Báo NTNN - 13 Thụy Khuê, Hà Nội (điện thoại 04.38474275; 0912327554). Các nội dung chính cần sự hiến kế của bạn đọc là hạn mức, hạn điền, bồi thường đất nông nghiệp, giá đất nông nghiệp...

"Vua cá sấu" Trần Ngọc Hiếu (xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, nói: "Không chỉ nuôi cá, dự kiến tôi sẽ mở sang bán thực phẩm, chế biến da cá sấu… Công việc đó, 10-20 năm không thể làm được, mà là cả đời, thậm chí đến đời con, đời cháu mới làm xong. Nếu quy định 50 năm, nông dân không thể nào yên tâm được".

ĐB Quốc hội Lê Đình Khanh cũng cho rằng, ban soạn thảo chưa cho thấy một cơ sở khoa học nào với con số thời hạn 50 năm. Thậm chí, ĐB Khanh còn cho rằng, các con số lớn hơn như 90 hay 100, thậm chí là 200 năm cũng chưa có cơ sở. Theo ĐB Khanh, việc Ban soạn thảo quy định về thời hạn chỉ mang một ý nghĩa chính là để dễ dàng thu hồi đất nông nghiệp khi Nhà nước muốn thực hiện các dự án phi nông nghiệp khác. Tuy nhiên, ý định đó có thể thực hiện bằng các quy định cụ thể, minh bạch về thu hồi đất nông nghiệp. Không nên vì thế mà không giao đất vĩnh viễn cho nông dân.

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn: 50 năm vẫn chưa đủ

So với thực tế hiện nay và góc nhìn về tương lai thì cần thiết xóa bỏ hạn điền. Cụ thể, đối với vùng đang sử dụng là đất nông nghiệp, thì Nhà nước nên giao cho các tổ chức và cá nhân "sử dụng ổn định lâu dài" (như đã ghi trong Điều 18 Hiến pháp 1992), tức là không có thời hạn; được như vậy thì người dân càng thêm yên tâm, tích cực đầu tư thâm canh, hiệu quả sử dụng đất sẽ tăng thêm; đồng thời cũng tránh được những thủ tục hành chính phiền hà mà người dân sẽ phải thực hiện để được tiếp tục sử dụng đất khi hết thời hạn.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ: Sẽ cản trở trang trại

Thành công của sự nghiệp đổi mới là chính sách giao lại ruộng đất cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài. Hiệu quả là năng suất, sản lượng lương thực tăng lên, Việt Nam lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng từ đó, năng suất và sản lượng nông nghiệp không tăng lên được nhiều, chất lượng nông sản ở mức thấp. Một nguyên nhân dễ thấy là người nông dân chưa thực sự an tâm đầu tư chiều sâu vì thời hạn sử dụng đất quá ngắn. Mặt khác, chính sách hạn điền cũng làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn.

Ông Nguyễn Văn Khái - chủ trang trại (Bình Dương): Nên bỏ hẳn!

Hiện tôi có một trang trại cao su rộng 60ha. Lương mà các trang trại cao su ở đây trả cho công nhân cạo mủ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng/tháng, cao hơn lương của công nhân đang làm trong các nhà máy, khu công nghiệp. Nếu trả lương không thỏa đáng, công nhân nông nghiệp sẽ bỏ đi làm ở nơi khác. Do đó, việc tập trung ruộng đất trong thời đại ngày nay chắc chắn sẽ không làm sản sinh ra tầng lớp địa chủ, điền chủ bóc lột những người tá điền như ngày xưa nữa. Vì thế, Nhà nước nên bỏ hẳn hạn điền và giới hạn thời gian của quyền sử dụng đất.