Nghĩa là, cùng với phát triển kinh tế là phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo; giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu này. Với nhiều chính sách nhất quán, có thể nói chúng ta đã đạt những kết quả rõ nét trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Trong bài viết ngắn này chỉ đề cập đến công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi - vấn đề lớn trong trụ cột xã hội của phát triển bền vững.
Nói chúng ta đạt kết quả rõ nét trong xóa đói giảm nghèo là bởi hiện chúng ta đã xóa được đói, tỷ lệ nghèo từ trên 50% những năm 80 của thế kỷ trước giảm xuống còn khoảng 4% theo tiêu chí mới, tiếp cận đa chiều, về trước Mục tiêu Thiên niên kỷ 15 năm. Đây là một điều kỳ diệu của Việt Nam ta. Nói kỳ diệu vì chúng ta mới vượt qua ngưỡng nước nghèo lên quốc gia thu nhập trung bình ở mức thấp nhưng tỷ lệ nghèo của chúng ta ở mức quốc gia phát triển. Bài học giảm nghèo của Việt Nam được Liên Hợp quốc khuyến cáo nhiều quốc gia nghiên cứu, học tập.
Tuy vậy, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp, bước đi phù hợp nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững và trở thành nước công nghiệp phát triển thì đánh giá chính xác kết quả giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, qua đó chỉ rõ tồn tại, hạn chế, là việc làm cần thiết.
Trên tinh thần đó, ngày 10/9 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình. Đó là: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm DTTS; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu... Một số vấn đề bức xúc liên quan đến giảm nghèo bền vững của đồng bào DTTS, MN chậm được giải quyết, hiệu quả chưa cao như: giao đất, giao rừng cho hộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Qua giám sát thực tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trăn trở trước 5 khó khăn ở vùng DTTS, MN gồm: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ phúc lợi cơ bản kém nhất; và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Nguyên nhân chủ quan được xác định là do nhiều chính sách chưa phù hợp thực tế, còn chồng chéo, chậm sửa đổi, chậm ban hành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm nghèo nhanh và bền vững, sớm xóa những khó khăn ở vùng DTTS, MN, trước hết, chính sách phải sát thực tế, dễ vào cuộc sống. Muốn vậy, trong quá trình xây dựng cần lấy ý kiến của chính người dân nơi thụ hưởng kết hợp tham khảo ý kiến nhà khoa học.
Thứ hai, lâu nay chúng ta hay nói bà con còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, nhận xét vậy là chưa thỏa đáng vì bà con rất cần cù, chịu khó, chịu khổ. Vấn đề là, Nhà nước các cấp cần phát huy nguồn lực xã hội để phát triển giao thông, hạ tầng cơ sở thiết yếu và các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Giao thông thuận lợi, người dân sẽ thay đổi tư duy mọi mặt. Có mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, không lo đầu ra, ổn định cuộc sống thì người dân sẽ không di cư, nghèo sẽ giảm bền vững, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, tiềm năng sẽ được khai thác hiệu quả hơn và đời sống tinh thần sẽ được nâng cao, bản sắc văn hóa đa dạng được bảo tồn, phát huy.
Qua thực tế, không ít địa phương với cách làm sáng tạo đã đưa nhiều vùng DTTS, MN nghèo khó trước đây trở thành vùng nông thôn trù phú, giàu đẹp, tiến bộ. Hy vọng những cách làm hay được nhân rộng để chúng ta thực hiện khát vọng hùng cường.