Giảm nguy cơ tái nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2011, cả nước còn trên 1,5 triệu hộ cận nghèo, trong đó tập trung chính ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo cách xác định hộ nghèo như hiện nay, các hộ cận nghèo được xem như đã thoát nghèo, tuy nhiên thực tế đời sống của các hộ này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là những giải pháp căn cơ giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giảm nguy cơ tái nghèo.

 

Nguy cơ tái nghèo còn cao

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nhưng công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. So với cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghèo.

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến những nỗ lực thoát nghèo bền vững rất khó để thực hiện.

Bên cạnh đó, khi thoát khỏi diện hộ nghèo, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chưa định hướng được phương án sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định sinh kế thoát nghèo bền vững; năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhiều nơi vẫn theo tập quán sống không tập trung, xa chợ, xa trung tâm, gây khó khăn trong việc trao đổi và tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hơn nữa những chính sách, chương trình dự án của Nhà nước và thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thực hiện phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, giáo dục.

Ưu tiên hỗ trợ  đất ở, đất sản xuất

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, phát triển nông, lâm nghiệp là giải pháp bền vững để giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Bà con dân tộc thiểu số cần được giúp đỡ, tư vấn về việc lựa chọn cây con sản xuất có ưu thế để có thể hình thành vùng hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, cơ quan khuyến nông của Bộ, ngành, tỉnh, huyện phải quan tâm giúp đỡ trực tiếp cho người dân xây dựng và thực hiện các mô hình liên kết nông nghiệp, vườn ao chuồng, rừng nhằm phát huy lợi thế địa phương.

Bên cạnh đó, do đặc thù địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc nên rừng phải được ưu tiên đầu tư, để giữ hệ thống rừng đầu nguồn, có chính sách khuyến khích trồng rừng, giữ rừng.

Đặc biệt, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là giải pháp cần thiết để người dân ổn định cuộc sống, xóa bỏ tập quán du canh, du cư.

Theo Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan, tính từ năm 2002 - 2011, cả nước có gần 560.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Các địa phương đã hỗ trợ được cho hơn 230.000 hộ, đạt 41,5% so với tổng số hộ có nhu cầu cần hỗ trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, để bảo đảm không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở từng thôn, bản cần gắn liền và hài hòa giữa không gian văn hóa và nơi ở, nơi sản xuất.

Giải pháp trước mắt là rà soát và quy hoạch tổng thể về khu dân cư, đất sản xuất ở từng bản, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, khi hết hạn thuê đất, các doanh nghiệp thực hiện việc trả đất lại cho chính quyền để giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, lâu dài.

Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Uỷ ban Dân tộc đang tiến hành xây dựng Đề án Chính sách hỗ trợ các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với mục tiêu  nâng cao năng lực, tạo điều kiện tiếp cận sinh kế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế ổn định cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2012.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 ưu tiên nguồn lực đầu tư trên địa bàn thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần.

Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2015 là 60% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% trung tâm xã có điện, trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo tăng 15-20%/năm; bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo… 

 

Theo Chinhphu.vn