Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước: Quan tâm yếu tố bền vững

Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước: Quan tâm yếu tố bền vững
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo "Mười năm thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam: Thành quả - Cơ hội - Thách thức”.

 
 
Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững
 
Sau 10 năm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công nhận Việt Nam có thành tích trong xóa đói giảm nghèo. Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 – hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Điều đó khẳng định Định hướng Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
 
Theo TS Phạm Tất Thắng Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản thì nước ta có đặc điểm địa lý là nước nhiệt đới gió mùa nên thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và thiên tai trên diện rộng, chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, đầy bất trắc và rủi ro, cùng với nạn khai thác gỗ, đốt phá rừng bừa bãi đã làm xói mòn đất, sự xâm hại của con người làm ô nhiễm môi trường nước, suy giảm nguồn nước sạch, đe dọa cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nơi tập trung chủ yếu của sự đói nghèo và lạc hậu. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ồ ạt, thiếu quy hoạch… và di cư tự do cũng là thách thức không nhỏ đối với nạn đói nghèo và tái nghèo trở lại.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, thì cho rằng công tác giảm nghèo có khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành và sẽ còn phải đối mặt với những thách thức mới.
 
 
Công bố đầu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy: WB đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua (1990-2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều vùng còn nhiều khó khăn, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60% -70% hộ nghèo. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.
 
WB đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua (1990 - 2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. 
Hơn 60.000 tỉ đồng đầu tư cho chương trình giảm nghèo
 
Cũng mới đây, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo trong 2 năm 2011- 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng đến năm 2015. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương cho thấy: Mặc dù trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng 2 năm qua, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, bố trí kinh phí triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách giảm nghèo... Nhiều địa phương sáng tạo có cách làm hay, hiệu quả như: Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bến Tre...
 
Hai năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, hơn 60.000 tỉ đồng đã được đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Nhờ đó mà cả nước có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 4 triệu lượt học sinh được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập; trên 39.200 người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, có việc làm; 5 triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; trên 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi sản xuất.... 
 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 167.... cũng đã đầu tư gần 17.000 tỉ đồng xây dựng trên 6.000 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế giúp các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó mà tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 14,2% (năm 2010) đã giảm xuống còn 9,6% (cuối năm 2012), bình quân giảm 2,3% /năm.  
 
Bên cạnh những thành công đạt được, công tác giảm nghèo 2 năm qua vẫn còn một số hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, một số vùng tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có nơi trên 60- 70%, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% cả nước; nhiều chương trình manh mún, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.  
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, Bộ ngành Trung ương phân tích những mặt được và chưa được, bàn giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 80 của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013), đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%...
 
Thu Thanh
Nguồn: daidoanket.vn