Giật mình 90% người tiêu dùng “mù mờ” rau an toàn

Theo kết quả điều tra của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tại 6 tỉnh phía Bắc, gần 90% số người được hỏi không nhận biết được rau an toàn và rau không an toàn...

Con số này khiến nhiều người giật mình

Xung quanh kết quả điều tra nói trên, ngày 11.3, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas.

 

Thưa ông, rõ ràng nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) của xã hội đang ngày một tăng, nhưng tại sao đến hơn 90% người tiêu dùng hiện nay lại không nhận biết được thế nào là RAT và không an toàn?

- Bởi vì lâu nay, việc sản xuất RAT của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ sở, tiêu chí nào để nhận biết về RAT. Người tiêu dùng thì chưa nhận thức đầy đủ được khái niệm RAT, mà đa số mới chỉ “nghe” một cách mơ hồ về RAT. Sản xuất RAT và rau có chế phẩm độc hại đang bị lẫn lộn cho nên người bán có trưng biển RAT thì người tiêu dùng cũng không an tâm để mua.

Kết quả điều tra ý kiến người tiêu dùng về RAT mà chúng tôi được thực hiện từ năm 2011-2013 cho thấy, gần 90% người tiêu dùng được hỏi nhận thức RAT có ảnh hưởng đến sức khỏe; nhưng cũng có đến hơn 90% không nhận biết RAT và rau không an toàn bằng mắt thường. Nhiều người tiêu dùng vẫn bị nhầm lẫn giữa rau sạch và RAT, khi cho rằng, rau xanh, rau tươi không bị sâu là RAT. Đây là cách hiểu không có cơ sở vì không ít trường hợp người sản xuất đã phun thuốc bảo vệ thực vật, chưa đủ thời gian thuốc phân hủy đã thu hoạch, bán ra, nhằm để làm đẹp rau, cho bắt mắt người mua. Mặt khác, người tiêu dùng cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận thông tin về địa điểm bán RAT...

Nhiều người tiêu dùng vẫn còn hiểu sai về rau an toàn (ảnh minh họa).

Chúng ta đã ban hành hướng dẫn về sản xuất RAT từ hàng chục năm nay, vậy tại sao nó lại không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng?

- Việc sản xuất RAT của ta còn đang rất hạn chế. Theo điều tra của chúng tôi, đến năm 2007, cả vùng đồng bằng sông Hồng mới có 13.216ha quy hoạch trồng RAT, chiếm 13% tổng diện tích; trong đó, chỉ có 6.755ha được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Năm 2008, Bộ NNPTNT có ban hành quy chuẩn VietGAP, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, diện tích sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP và theo hướng VietGAP cũng mới dừng ở 820ha. Con số này quá thấp so với nhu cầu RAT ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Chúng ta chưa mạnh dạn thay đổi chính sách, cơ chế đầu tư cho sản xuất RAT. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã về vốn và quảng bá RAT. Các hợp tác xã, doanh nghiệp thì chủ động liên kết, tạo mạng lưới RAT ở khắp các tỉnh...

Nguyên nhân VietGAP không phát triển được là do quy trình phức tạp, tốn kém (chi phí chứng nhận lớn), chỉ phù hợp với quy mô sản xuất lớn, hộ sản xuất nhỏ khó đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, chi phí đầu tư và tiêu thụ. Từ những bất cập của sản xuất dẫn tới người tiêu dùng không có thông tin về nguồn gốc, phương thức, quy trình sản xuất RAT tại các vùng đang áp dụng, dẫn đến không tin tưởng lẫn quan tâm đến RAT. Đến cuối 2010, diện tích rau có kiểm soát chất lượng trên toàn quốc mới chỉ 0,1%.

Vậy phải làm sao để đáp ứng được yêu cầu bức thiết cũng như nâng cao được nhận thức của người dùng về RAT?

- Tôi cho vấn đề mấu chốt là phải từ sản xuất. Ví dụ, Hà Nội-địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ RAT nhưng việc đầu tư cho sản xuất cũng chưa đúng mức. Hà Nội có trên 8.000ha trồng rau, nhưng diện tích RAT được chứng nhận mới đạt mười mấy ha. Nhiều dự án phát triển RAT không thành công, có dự án vẫn nằm trên giấy, nơi thì đầu tư nửa vời...

Xin cảm ơn ông!

Theo danviet.vn