Giới công sở chuộng dịch vụ Internet Banking

Giới công sở chuộng dịch vụ Internet Banking
Thay vì phải đến tận điểm giao dịch, điền tờ khai và mất công chờ đợi, khách hàng sử dụng ngân hàng trực tuyến chỉ cần ngồi nhà, bấm chuột và thao tác qua máy tính. Dịch vụ này đang thu hút đông đảo người dùng, nhất là giới công sở.

 

Chọn được chiếc áo đẹp trên một topic mua sắm của diễn đàn mua sắm, chị Lan ở Cầu Giấy, Hà Nội hí hứng gọi điện cho chủ hàng. Buồn thay, người bán ở tận TP HCM. Muốn mua áo, chị phải chuyển khoản trước, sau đó hàng được gửi ra ngoài Hà Nội. Rất thích mẫu áo nhưng nghĩ đến quãng đường chạy ra ngân hàng, điền thông tin lích kích rồi chờ đợi giao dịch khiến chị cảm thấy ngần ngại.

Thấy chị Lan bần thần, cô bạn đồng nghiệp bên cạnh hiến kế nhờ sếp chuyển tiền hộ qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Sau vài cú click đơn giản, sếp đã giúp chị Lan chuyển khoản cho người bán nhanh chóng. Bị thuyết phục bởi những tiện ích của Internet banking, ngay ngày hôm sau chị Lan đã tới ngân hàng để đăng ký dịch vụ. Bây giờ, ngoài mua sắm, chị còn sử dụng dịch vụ này vào nhiều hoạt động chi trả hàng ngày như thanh toán tiền điện, đóng bảo hiểm, học phí cho con hay mua vé máy bay...

 

Hữu ích hơn, dịch vụ này còn giúp người tiêu dùng trong nhiều trường hợp. Anh Đức Thịnh (nhân viên truyền thông, Hà Nội) đang đi công tác thì nhận được điện của người thân báo bố bị ốm, phải nhập viện, cần gấp 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do vào chủ nhật, ngân hàng đóng cửa nên anh không thể tới chuyển tiền. Đen đủi, chỗ công tác lại không có ATM của ngân hàng. Anh Thịnh chợt nhớ người đồng nghiệp đi cùng có đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến. “Hoàn tất giao dịch Internet banking, 5 phút sau em gái tôi đã nhận được tiền để lo viện phí cho bố. Khi về, chắc chắn tôi sẽ đăng ký dịch vụ này vì thấy nó khá tiện lợi, đặc biệt trong những lúc đi xa”, anh Thịnh chia sẻ.

 

Chị Lan và Anh Thịnh chỉ là hai trong nhiều trường hợp đã giải quyết bài toán khó bằng phương thức thanh toán trực tuyến. Hiện nay, Internet banking được biết đến là dịch vụ ngân hàng điện tử dùng để truy vấn thông tin tài khoản và thực hiện các giao dịch chuyển khoản, thanh toán qua mạng Internet. Dịch vụ này cho phép khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến mà không cần đến ngân hàng. Chỉ cần một chiếc máy vi tính hoặc điện thoại di động có kết nối Internet và mã truy cập do ngân hàng cung cấp, người dùng đã có thể nhận, chuyển tiền mọi lúc, mọi nơi.

 

"Lợi ích lớn nhất mà thanh toán điện tử đem lại chính là sự tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho các bên. Khách hàng có thể thanh toán ở mọi nơi không phải đến phòng các giao dịch. Thời gian giao dịch không bị hạn chế trong 8 giờ làm việc mà có thể bất kỳ lúc nào, kể cả ban đêm", ông Matthew Keating, Giám đốc quản lý các kênh phân phối phi vật lý - Khối Ngân hàng bán lẻ ngân hàng VIB nhận xét về dịch vụ này.

 

Ngoài việc giúp người dân thuận tiện hơn trong việc nhận, trả tiền trong nước, dịch vụ ngân hàng điện tử còn giúp rút ngắn khoảng cách địa lý khi phát triển thêm chức năng chuyển khoản quốc tế. Dịch vụ này giúp nhiều bậc phụ huynh có thể chuyển khoản nhanh cho con đang du học. Chị Mai ở Mỹ Đình, Hà Nội có con gái đang du học bên Anh là một ví dụ. Chuẩn bị vào họp, chị nhận được tin nhắn con gái báo cần tiền gấp để nộp tiền bảo hiểm hàng tháng. Do là cuộc họp quan trọng, không thể bỏ nên chị đành gọi cầu cứu chồng. 10 phút sau, chị nhận được tin nhắn của ông xã báo giao dịch đã thành công. Thở phào nhẹ nhõm nhưng chị thắc mắc không hiểu anh ra ngân hàng lúc nào lại nhanh thế. Về nhà nghe giải thích, chị Mai mới vỡ lẽ hóa ra chồng đăng ký dịch vụ Internet banking từ lâu.

 

Với tỷ lệ 31% người dân sử dụng Internet thường xuyên trong tổng số 86 triệu dân Việt Nam, có thể nhận thấy tiềm năng lớn cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua Internet.

 

Tờ Asia One dẫn kết quả do Công ty comScore thực hiện về lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho thấy, trong vòng một năm từ tháng 1/2010 đến tháng 1/2011, số lượng người dùng tại Việt Nam đã tăng 35% từ 701.000 lên 949.000. Con số này tiếp tục tăng cao trong năm nay.

 

Coi đây là thị trường màu mỡ nên các ngân hàng đang không ngừng mở rộng, giới thiệu, nhằm đưa thêm tiện ích loại hình dịch vụ Internet banking đến khách hàng. Thậm chí, có nhà băng còn áp dụng chính sách đặc biệt khi khách hàng thực hiện giao dịch qua kênh thanh toán trực tuyến.

 

Ngân hàng trực tuyến myAccess của Commonwealth Bank (CommBank) vừa công bố mức phí chuyển hấp dẫn chỉ 100.000 đồng cho một lần chuyển tiền đi nước ngoài và 16.000 đồng cho một lần chuyển tiền trong nước. Ngoài ra, nhà băng này còn áp dụng mức phí 495.000 đồng và tặng một balo cao cấp cho các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trong khoảng thời gian từ ngày 29/8 đến 1/10.

Cùng tham gia cuộc đua, ngân hàng Đại Á cũng đang chuẩn bị đưa sản phẩm này ra thị trường và tháng 9 tới. Theo lãnh đạo Đại Á, để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, ngân hàng này sẽ thường xuyên tổ chức các chính sách ưu đãi về phí, lãi suất kèm nhiều khuyến mãi hấp dẫn dành riêng cho khách sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của mình.

 

Bên cạnh sự tiện lợi thì vấn đề an toàn, bảo mật cũng thu hút sự quan tâm của khách hàng thường xuyên online. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều ngân hàng không ngại bỏ khoản tiền lớn để đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng và an toàn thông tin, dự phòng dữ liệu, quy trình và kỹ năng chăm sóc khách hàng.

 

Ông Ross William Munn, Tổng giám đốc Commonwealth Bank khuyến cáo, vấn đề quan trọng mà khách hàng cần quan tâm khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến nói chung là hệ thống bảo mật. Do đó, các ngân hàng đều đặc biệt quan tâm, áp dụng các chính sách bảo mật cho dịch vụ của mình.

 

Làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin hơn 10 năm nay, khi được hỏi về vấn đề an toàn khi giao dịch trực tuyến, ông Nguyễn Trần Minh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH phần mềm Kỷ Nguyên Số cho biết: “Nếu được trang bị các công nghệ bảo mật trực tuyến phù hợp thì vấn đề an toàn khi giao dịch ngân hàng trực tuyến hoàn toàn được đảm bảo. Các công nghệ bảo mật an toàn hiện nay cho hệ thống giao dịch trực tuyến bao gồm: công nghệ mã hóa dùng lớp cổng bảo mật (SSL) kết hợp sử dụng công nghệ xác thực 2-Factor Authentication”.

 

Hiện nay, nhiều ngân hàng như Đại Á, VIB, VP Bank... đều áp dụng hệ thống bảo mật ba lớp với các giao dịch trực tuyến, bao gồm: tên đăng nhập, tổ hợp mã khóa mật khẩu 128 bit (do khách hàng lựa chọn) và mã số bảo mật "one time password - OTP", thay đổi từng thời điểm, thông qua một thiết bị bảo mật đặc biệt do ngân hàng cấp (Token). Hệ thống bảo mật này giúp khách hàng không bị đánh cắp thông tin cá nhân và dữ liệu bởi những phần mềm nội gián, hay bị nhìn trộm mật khẩu vì chỉ duy nhất người có mật khẩu và người sở hữu thiết bị bảo mật Token mới có thể truy cập vào kênh ngân hàng trực tuyến.

 

Cũng quan tâm tới hệ thống bảo mật nhưng ngân hàng Commonwealth Bank còn mạnh tay đầu tư hơn khi ứng dụng hệ thống chống virus cao cấp để bảo vệ thông tin. Ngoài ra, ngân hàng này còn sử dụng trang mạng an toàn https (thay cho http). Theo đó, công nghệ mã hóa dùng lớp cổng bảo mật (SSL) với độ dài mã hóa là mạng 256-bit truyền dữ liệu qua Internet giúp bảo vệ các thông tin liên lạc giữa máy tính và máy chủ ngân hàng trong suốt thời gian sử dụng ngân hàng trực tuyến myAccess.

 

Nhiều ngân hàng nhận xét, bảo mật thông tin là vấn đề sống còn của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, khách hàng cần chú ý nên sử dụng từ máy tính hay điện thoại di động của chính mình, không nên sử dụng các thiết bị công cộng. Các thiết bị này nên cài các phần mềm phòng chống virus và được cập nhật định kỳ (update). Ngoài ra, mật khẩu sử dụng không nên lựa chọn ngày sinh, số điện thoại hoặc dễ đoán biết, mà kết hợp chuỗi gồm cả chữ và số. Người dùng cũng chú ý đăng xuất khỏi chương trình nếu không tiếp tục sử dụng.

 

Phương Thảo

Ngày 28/8/2012 - Theo VnExpress