Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
- Thứ ba - 30/04/2019 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều hộ hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh VBSP News
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, các cấp Hội đẩy mạnh phong trào "Nông dân thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuât kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Cùng với việc tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 27–NQ/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội về "Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn", Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, khích lệ, động viên nông dân chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, tạo nên những nhân tố đi đầu trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ của tỉnh. Các cấp Hội quan tâm xây dựng và duy trì các mô hình "Dân vận khéo" ở vùng đồng bào dân tộc, nổi bật là: Mô hình mô hình "Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn" ở xã Phúc An, Bạch Hà, Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình), thị trấn Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); mô hình "Phát triển chăn nuôi xóa đói giảm nghèo" ở xã Hồ Bốn, Lao Chải, Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải); mô hình nuôi ba ba tại huyện Lục Yên, Văn Chấn; mô hình chăn nuôi trâu, bò tại huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên; mô hình phát triển dệt thổ cẩm tại phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ); mô hình thâm canh và chế biến chè tại xã Cát Thịnh, Minh An (huyện Văn Chấn).
Giai đoạn 2003-2018, các cấp Hội đã vận động gần 622 nghìn lượt hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua, qua bình xét đã có gần 368 nghìn lượt hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó trên 11.700 lượt hộ là người dân tộc thiểu số; xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, tổng hợp có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên.
Để thúc đẩy phong trào phát triển, các cấp Hội tăng cường các hoạt động tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tuyên truyền tới nông dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Tính đến hết năm 2018, tổng số tổ tiết kiệm và vay vốn do tổ chức Hội quản lý là 673 tổ; với tổng dư nợ trên 772 tỷ đồng, với gần 24 nghìn hộ vay vốn; phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 298 tổ vay vốn, 5.820 hộ nông dân vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Cùng với đó các cấp Hội đã liên kết với Công ty Sufe Phốt phát & Hoá chất Lâm Thao, Công ty Apatít Lào Cai hằng năm phối hợp mở từ 15-20 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, cách phân biệt phân bón thật, giả và cung ứng từ 2.000 - 3.000 tấn phân bón trả chậm giúp nông dân giảm bớt khó khăn, sản xuất kịp thời vụ. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã xây dựng được 156 mô hình dự án nhóm hộ phát triển sản xuất kinh doanh, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, trong đó 26 mô hình triển khai cho hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số.
Đến hết năm 2018, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng và duy trì 272 mô hình tổ hợp tác kinh tế tập thể, phối hợp duy trì hoạt động 62 hợp tác xã trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ…trong đó có một số mô hình triển khai tại vùng đồng bào DTTS như : mô hình kinh tế tập thể nuôi ba ba (xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn); chi hội nghề nghiệp cây ăn qảu có múi, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; mô hình nuôi trâu sinh sản, xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên)...
Bên cạnh vận động hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách tham gia ủng hộ, giúp đỡ các hộ hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo. 15 năm qua, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân ủng hộ 18 tỷ đồng, giúp đỡ trên 2.500 con giống các loại, hỗ trợ gần 19 nghìn tấn lương thực, hỗ trợ gần 121 nghìn ngày công lao động xây dựng nhà cửa, cải tạo ruộng vườn và chuồng trại chăn nuôi; giúp đỡ trên 30 nghìn lượt hộ hội viên thoát nghèo (trong đó có trên 7 nghìn lượt hộ hội viên người dân tộc thiểu số), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân giảm 4%/năm.
Các chương trình, mô hình, dự án của Hội triển khai tại các vùng dân tộc thiểu số ngày càng đa dạng, có hiệu quả; qua đó góp phần giúp người dân ổn định sản xuất, có động lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo... tạo niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.